Tròn 10 năm ngày iOS 7 được ra mắt, phong cách thiết kế phẳng bắt nguồn từ hệ điều hành này trở thành nguyên mẫu cho toàn ngành.
Tại WWDC 2013, phiên bản iOS 7 được công bố bởi Tim Cook. Nhưng thay vì những màn trình diễn quen thuộc, Apple chiếu một đoạn video quay sẵn dài 4 phút của Jonathan Ive (Jony Ive). Trong video, cựu giám đốc thiết kế từ "Táo khuyết" giải thích lý do đằng sau những thay đổi quan trọng về giao diện bản cập nhật.
Đây cũng là sự kiện đặt dấu chấm hết cho kiểu thiết kế tả thực, vốn phổ biến trên toàn ngành giai đoạn đó.
Với iOS 7, Apple nói lời tạm biệt với skeuomorphism (đa hình, lập thể), ngôn ngữ thiết kế hãng đã sử dụng từ khi chiếc iPhone đầu tiên được giới thiệu vào 2007. Bề ngoài của chiếc máy, gồm cả phần cứng và phần mềm, trước đó thuộc trách nhiệm quản lý bởi Scott Forstall, cựu Trưởng nhóm thiết kế. Nhưng sau đó, vị này đã bị sa thải.
Jonathan Ive là người nắm quyền tiếp theo. Triết lý của ông luôn là sự tối giản. Nhưng các bản iOS trước đó không đảm bảo được yếu tố này. Biểu tượng, chi tiết trong hệ điều hành iPhone trước 2013 đi theo chủ nghĩa đa hình, với các chi tiết đổ bóng. Cơ bản, họ tìm cách tái hiện hình dáng, màu sắc, chi tiết từ thực tế, đưa vào sản phẩm thiết kế.
Đây là một kiểu tư duy đơn giản, giúp sản phẩm kỹ thuật số trông quen thuộc, dễ nhận diện. Đó là lý do ứng dụng Ghi chú sẽ trông giống một cuốn sổ tay với giấy gạch vàng và chữ nằm trên đó. Newsstand (tiền thân của Apple News) hiển thị như một tờ báo ngoài hiệu sách.
iMore cho rằng kiểu thiết kế 3D này có nhiều vấn đề, nhưng nó là giải pháp hợp lý ở giai đoạn chuyển giao, giúp người dùng dễ dàng tương tác với điện thoại thông minh.
Ở iOS 7, Jony Ive và cộng sự đã mang đến sự trật tự cho một giao diện người dùng vốn phức tạp. Cơ bản, nó đã trông tối giản hơn, nhưng vẫn đủ quen thuộc để người dùng không phải học sử dụng thiết bị lại từ đầu. Ứng dụng Ảnh không còn hình bông hoa, biểu tượng mới vẫn gợi nhiều chi tiết cũ. Ghi chú giữ đường bo ngoài cùng màu sắc như bản trước, ít rườm rà hơn.
Việc Apple áp dụng thiết kế phẳng mở ra một hướng đi mới cho toàn ngành công nghiệp. Material You đang áp dụng trên toàn bộ các ấn phẩm của Google rõ ràng học hỏi rất nhiều từ "Táo khuyết". Có thể nói, chính Jony Ive đã đặt dấu chấm hết cho kiểu thiết kế lập thể, mô phỏng thực tế. Hiện tại, một sản phẩm được tạo ra với ngôn ngữ đó sẽ bị xem là lỗi thời, cũ kỹ.
Hiện tại, Jony Ive đã rời khỏi vị trí Giám đốc Thiết kế của Apple. Nhưng nhiều triết lý của ông vẫn được tiếp tục áp dụng. Các bản MacOS mới, từ Big Sur 2020 có giao diện giống iOS hơn, với các biểu tượng phẳng.
Những đổi mới có thể sớm xuất hiện khi Apple giới thiệu chiếc kính thực tế hỗn hợp của mình. Trong môi trường 3D, Táo khuyết cần có nâng cấp mang tính cách mạng, để giúp trải nghiệm của người dùng tốt hơn.