
Apple Studio Display đắt nhưng bạn không có lựa chọn tương xứng nào rẻ hơn...
- Người viết: Code lúc
- Tin tức
Apple Studio Display có kích thước 27", độ phân giải 5K, các thông số khác như độ sáng, tấm nền, công nghệ phát sáng tấm nền, độ tương phản, màu sắc… cũng không quá vượt trội so với các màn hình bình thường khác. Nhưng giá thì lại đắt gấp 2 hay 3 lần các màn hình máy tính bình thường. Vấn đề bàn cãi ở đây là Apple Studi Display không có đối thủ xứng tầm, một dạng độc tôn nên Apple có thể bán nó giá cao mà không lo người ta mua cái khác.
Giá bán của Studio Display bản cơ bản là 40 triệu và bản có chân thay đổi được chiều cao là 50 triệu.
Vậy những cái mà Studio Display có mà các màn hình khác không có là gì?
Retina - Nhìn không thấy điểm ảnh
Mật độ điểm ảnh cao 218 ppi. Ở mật độ này thì người dùng ngồi cách màn hình ở khoảng cách dùng máy tính bình thường sẽ không thấy điểm ảnh và Apple gọi nó một cái tên đẹp là Retina. Sau hơn 10 năm ( từ iPhone 4) thì Apple đã Retina hoá được toàn bộ các sản phẩm có màn hình hiển thị của họ. Sản phẩm càng nhìn gần thì mật độ điểm ảnh càng cần cao. iPhone cao nhất rồi đến iPad, MacBook rồi màn hình.
Màn hình các hãng khác bán ra hầu hết đều không có được mật độ điểm ảnh cao như của Apple. Đây là điều khác biệt lớn nhất và ảnh hưởng nhiều nhất đến trải nghiệm của anh em. Apple bằng cách nào đó đã mua hết các tấm nền độ phân giải cao hoặc các hãng khác né không làm ra các màn hình có mật độ điểm ảnh cao để bán cho người dùng Apple.
Các tính năng màu sắc nâng cao: True Tone và Night Shift
Hai tính năng này hiện đang được Apple trang bị trên các màn hình hiển thị của họ từ iPhone, iPad, MacBook và màn hình. True Tone tức là màu sắc của màn hình sẽ được điều chỉnh cho tương đồng với màu sắc của môi trường xung quanh. Apple dùng các cảm biến đo màu sắc, cường độ ánh sáng rồi từ đó tự động điều chỉnh màu sắc và cường độ ánh sáng của màn hình tương ứng, đồng nhất. Như vậy chúng ta sẽ cảm thấy dễ chịu hơn vì sự lệch màu giữa môi trường và màn hình máy tính. Tuy nhiên, anh em cũng lưu ý là lúc chỉnh hình ảnh hay video cần đúng chuẩn thì nên tắt tính năng True Tone này đi.
Tiếp theo đó là Night Shift tính năng này màn hình sẽ chuyển sang màu vàng để giúp người dùng sử dụng máy lúc tối hay đêm cảm thấy thoải mái hơn, dễ dàng hơn khi sau đó đi ngủ… Tính năng Night Shift này các màn hình khác cũng có nhưng mà thiết lập khó khăn hơn. Trên macOS thì anh em có thể hẹn giờ cho nó hoặc tự động mở/tắt tính năng này dựa theo thời gian mặt trời mọc và lặn.
Điều khiển đơn giản
Những chiếc màn hình của Apple bán ra hiện không có nút cứng để điều khiển. Người dùng chỉ cần nối một sợi dây vào trong máy tính và sau đó tất cả đều được điều khiển thông qua hệ thống của hệ điều hành. Điều khiển bằng chuột trên OS hay qua các phím trên bàn phím, nó thống nhất từ iOS, iPadOS, macOS… Như vậy anh em đang dùng MacBook khi nối vào Studi Display thì gần như trải nghiệm nó liền lạc, đơn giản, không cần phải học một cái mới hoặc chuyển qua một cái mới như là việc anh em dùng các màn hình khác.
Vì dựa vào OS chính của máy nên nó mạnh, mượt, nó có thể thêm các tính năng thông minh mà các màn hình khác không có được.
Hoàn thiện sản phẩm chất lượng cao
Apple đã hạn chế việc dùng nhựa cho sản phẩm của họ từ lâu nên màn hình của họ cũng chủ yếu dùng nhôm giống như các sản phẩm khác của họ. Màn hình Studio là một khối nhôm được khoét lỗ để cho linh kiện vào rồi sau đó tấm màn hình ngoài che các linh kiện. Nó giống như cách mà Apple làm iPhone, iPad…, chân đế cũng bằng nhôm nuyên khối, liền lạc, chắc chắn.
So với các màn hình đang bán ngoài thị trường vốn chủ yếu làm bằng nhựa thì màn hình Studio của Apple giá trị tốt hơn cho môi trường.
Studio Display cũng được hoàn thiện chất lượng cao hơn, tinh xảo hơn. Mọi đường nét đều được làm thẳng, phẳng, các lỗ khoét qua nhôm nhìn tỉ mỉ, chất lượng cao…
Trên thị trường có chiếc Mateview của Huawei được làm bằng nhôm và hoàn thiện cũng khá. Tuy nhiên nếu so với Studi Display của Apple thì còn kém xa.
Webcam hữu dụng và loa ngon hơn
Apple trang bị một webcam độ phân giải cao, ống kính rộng và tính năng họ gọi là Center Stage. Họ bắt đầu trang bị tính năng này trên iPad Pro M1 rồi sau đó là MacBook. Tính năng này giúp anh em video call tốt hơn nhiều, nó sẽ tự động canh khung hình chuẩn cho anh em. Anh em ngồi đối diện màn hình, khoảng cách nào cũng được camera sẽ tự động zoom tới và canh ngay giữa, rồi nếu có thêm người đi vào khung hình thì nó sẽ tự động mở rộng ra, chuyển điểm làm mờ… Các tính năng này muốn có thì anh em phải mua webcam xịn và đắt tiền lắm mới có được.
Loa ngoài thì thử nghiệm của mình là to hơn và nghe tốt hơn các loa trên các màn hình khác mà mình từng thử qua. Apple biết họ bán được giá màn hình cao nên không ngại đầu tư. Loa rất to và nghe thoải mái. Mình đang dùng màn hình XDR Pro Display không có loa và web cam cảm thấy khá là khó chịu vì nhiều lúc muốn nghe nội dung gì đó đơn giản như clip trên Youtube hay Facebook, điểm này mình thấy Studio Display ngon hơn.