Apple Vision phiên bản kế tiếp sẽ tự điều chỉnh tiêu cự theo thị lực người dùng?

Apple Vision phiên bản kế tiếp sẽ tự điều chỉnh tiêu cự theo thị lực người dùng?

Apple Vision Pro, chiếc kính thực tế ảo đầu tiên của Apple, đã thu hút sự chú ý lớn từ giới công nghệ và bên cạnh đó cũng rất nhiều ý kiến trái chiều về độ thực dụng của nó. Trong một bằng sáng chế gần đây cho thấy Apple còn đang nghiên cứu một công nghệ đột phá có thể thay đổi cách những người có tật khúc xạ sử dụng kính trong tương lai: thấu kính tự động điều chỉnh tiêu cự.
Hiện tại, người dùng Vision Pro cần sử dụng kính điều chỉnh thị lực dạng gắn thêm của Zeiss, tốn kém và đôi khi bất tiện khi tháo ra lắp vào. Tuy nhiên, Apple đang phát triển hệ thống lấy nét động sử dụng thấu kính chứa chất lỏng và dòng điện để thay đổi cách ánh sáng đi vào mắt, cho phép điều chỉnh tiêu cự phù hợp với đơn thuốc của từng người dùng.


Công nghệ này dự kiến sẽ giúp giải quyết được một số vấn đề Vision Pro đang gặp phải. Đầu tiên, nó loại bỏ nhu cầu sử dụng kính gắn thêm, giúp Vision Pro trở nên gọn nhẹ và thoải mái hơn. Thứ hai, thấu kính chứa chất lỏng có thể thay đổi độ điều chỉnh khi thị lực người dùng thay đổi, giảm tải việc phải mua kính mới thường xuyên.
Hơn nữa, hệ thống lấy nét động còn giải quyết hạn chế của kính gắn thêm khi sử dụng Vision Pro. Kính đa tròng truyền thống không hiệu quả trong AR do khoảng cách cố định giữa màn hình và mắt người dùng. Trong khi đó, thấu kính tự động điều chỉnh có thể lấy nét tức thời dựa trên vật thể người dùng đang nhìn, đảm bảo hình ảnh luôn rõ nét dù ở khoảng cách xa hay gần. Tuy nhiên, công nghệ này vẫn còn một số thách thức cần vượt qua. Vấn đề nan giải nhất là đảm bảo thời lượng pin đủ dài, bởi việc điều chỉnh tiêu cự liên tục có thể tiêu tốn nhiều năng lượng.


Mình thấy cái này cũng hay, nó giúp anh em bị vấn đề về thị lực như cận, viễn này kia có thể sử dụng được Vision Pro, hiện tại vẫn sử dụng được nhưng phải tốn tiền, không tốn tiền thì trải nghiệm không đã. Những thay đổi nhỏ này theo mình sẽ không giúp Vision Pro thành công được, cần phải có cái gì đó mang tính thực tiễn hơn.
← Bài trước Bài sau →