Câu chuyện Apple không tặng cục sạc để bảo vệ môi trường: phức tạp hơn chúng ta nghĩ nhiều lắm

Câu chuyện Apple không tặng cục sạc để bảo vệ môi trường: phức tạp hơn chúng ta nghĩ nhiều lắm

Thực tế mà nói, điều dễ thấy nhất khi nói về động thái không tặng kèm sạc và tai nghe trong hộp của iPhone 12 trước hết là có ảnh hưởng tốt đến việc kinh doanh, còn về môi trường, khía cạnh này quả thật là khó mà có thể cảm nhận ngay được. Đầu tiên, cắt giảm được phần chi phí dành cho sạc và tai nghe, Apple tiết kiệm được một khoảng tiền, và đối với những người đã có sẵn cáp và cục sạc rồi, họ không cần phải lãng phí nữa và điều đó mang đến tác động tích cực với môi trường.

Tại sự kiện trình làng loạt iPhone mới, Apple cho biết việc loại bỏ bớt các phụ kiện giúp giảm tiêu thụ nguồn nguyên liệu thô cho mỗi chiếc iPhone được bán ra. Đồng thời, việc này cũng làm cho hộp đựng nhỏ hơn, từ đó giảm không gian chiếm trong các kiện hàng chở đi, từ đó giảm bớt lượng khí thải carbon thải ra môi trường. Theo thống kê của Apple, tính đến thời điểm hiện tại, họ đã sản xuất và bán 700 triệu tai nghe Lightning và 2 tỷ bộ sạc trên toàn thế giới. Động thái của Apple nhận được sự ủng hộ từ một số tổ chức môi trường nhằm cắt giảm lượng rác thải điện tử. Bản thân Apple cũng đã cam kết để trở thành một công ty thân thiện hơn với môi trường, hạn chế phát thải khí nhà kính.

Angelo Zino, nhà phân tích cấp cao của công ty nghiên cứu đầu tư CFRA Research cho biết: “Họ bán sản phẩm theo kiểu đó như một quy tắc nhằm thân thiện với môi trường. Nhưng mong muốn cắt giảm chất thải của Apple cũng là một động thái tài chính tốt". Phổ biến 5G là một trong những lý do lớn để giải thích vì sao Apple đang tìm cách cắt giảm chi phí bằng việc trang bị ít phụ kiện kèm theo hơn đối với iPhone, theo các nhà phân tích trong ngành. Lần đầu tiên, toàn bộ dòng smartphone mới của Apple đều hỗ trợ 5G. Điều đó nghĩa là việc sản xuất iPhone 12 sẽ trở nên tốn kém hơn so với iPhone 11, bởi các thành phần hỗ trợ kết nối mạng 5G phức tạp hơn và đắt tiền hơn.

Nhà phân tích Zino ước tính rằng nếu chỉ tính riêng các bộ phận tần số vô tuyến trong iPhone 12, chi phí đã cao hơn từ 30-35% so với các mẫu iPhone trước đó. “Apple đã tìm cách cắt giảm chi phí ở nhiều khía cạnh khác nhau", ông nhận định. Và quyết định không tặng kèm củ sạc cũng như ai nghe trong hộp là một trong những cách đã được lựa chọn. Gene Munster, một đối tác quản lý tại công ty đầu tư mạo hiểm Loup Ventures cho rằng điều đó chỉ có thể làm tăng tổng lợi nhuận trên mỗi chiếc iPhone bán ra lên hơn 1%.

Trên thực tế, Apple đã chọn cùng lúc cả 2 khía cạnh: lợi ích của doanh nghiệp và lợi ích của môi trường. Điều này không thể phủ nhận được, nhưng bên nào nhiều hơn thì có lẽ vẫn còn nhiều tranh cãi. Giả định mà Apple đặt ra đó là những khách hàng mua iPhone mới đã có sẵn tai nghe và bộ sạc cũ để có thể dùng. Nếu chưa có tai nghe, họ có thể bỏ tiền để mua AirPods, Apple khi ấy sẽ rất vui nhưng hành tinh của chúng ta thì không. Nếu trong năm nay, doanh số của Apple tương đương với giai đoạn 2018 - khoảng 217 triệu chiếc iPhone, và chỉ 5% trong số đó quyết định thêm AirPods vào giỏ hàng của họ, công ty có thể kiếm thêm 700 triệu USD lợi nhuận gộp.

Vấn đề là việc mua riêng bộ sạc hoặc tai nghe có thể khiến cho nhiều rác thải và khí nhà kính tiếp tục góp vào môi trường. “Đây sẽ là một miếng bánh lớn, ít nhất là trong ngắn hạn đối với các nhà sản xuất phụ kiện đang bán bộ sạc USB-C", Avi Greengart, nhà sáng lập kiêm nhà phân tích hàng đầu tại công ty tư vấn Techsponential, cho biết. Cáp đi kèm với iPhone 12 là cáp USB-C ra Lightning, nghĩa là nó sẽ không tương thích với các củ sạc được tặng từ các đời iPhone trước. Họ cần phải mua thêm cục sạc hỗ trợ, hoặc dùng bộ sạc không dây.

Tồn tại một lý do khác khiến việc loại bỏ phụ kiện có thể sẽ không đưa đến việc cắt giảm khí nhà kính nhiều như Apple dự đoán. IPhone 12 mới sẽ được vận chuyển trong bao bì nhỏ hơn vì hộp sẽ chứa ít đồ hơn. Điều đó cho phép có thêm 70% số hộp được vận chuyển trên mỗi pallet, theo công ty. Theo công ty, nhiều hộp hơn trên mỗi pallet sẽ cắt giảm số chuyến hành cần hiện, từ đó cắt giảm lượng khí thải mà các phương tiện đó đang thải ra môi trường. Sara Behdad, phó giáo sư khoa học kỹ thuật môi trường tại Đại học Florida cho rằng trong đời thực, mọi chuyện không đơn giản như vậy.

Có nhiều không gian trống hơn trên mỗi kiện, điều đó không có nghĩa là mỗi kiện hàng như vậy đều phải được lắp đầy. “Việc vận chuyển đến các cửa hàng dựa trên nhu cầu. Mật độ lấp đầy của một pallet có thể phụ thuộc vào số lượng điện thoại mà một nhà bán lẻ nghĩ rằng họ sẽ bán được và xem xét xem liệu còn trống bao nhiêu không gian trên mỗi kiện. Vì vậy, bao bì nhỏ hơn không nhất thiết dẫn đến giảm đáng kể lượng khí thải dodo vận chuyển", Behdad giải thích. Theo Behdad, việc các nhà sản xuất tuyên bố sản phẩm của họ ra đời thân thiện với môi trường hơn khiến cho những nhà nghiên cứu đặt ra rất nhiều câu hỏi.

Sự không chắc chắn đó để lại những sự hoài nghi, đặc biệt là khi nói đến những thay đổi nhằm giải quyết các vấn đề to lớn như biến đổi khí hậu hoặc rác thải điện tử. “Việc bán iPhone 12 mới có hoặc không có tai nghe hay củ sạc đi kèm khiến chúng tôi không khỏi băn khoăn về một câu hỏi lớn hơn: tại sao Apple và các công ty điện tử khác không chịu trách nhiệm lớn hơn trong việc tái sử dụng và tái chế các sản phẩm của họ mà phần lớn vẫn còn được xử lý ở Mỹ cũng như trên toàn cầu”, Scott Cassel, Giám đốc điều hành của Viện Quản lý Sản phẩm phi lợi nhuận, cho biết trong một email gửi The Verge.

Công ty sẽ mang lại các tác động lớn hơn nếu họ làm cho các sản phẩm đã bán ra có thể dễ dàng được tân trang lại để chúng không trở nên “lỗi thời và cũ nát sau vài năm”, Cassel viết. Ví dụ: tai nghe không dây AirPods của Apple có tuổi thọ sử dụng ngắn hơn nhiều so với tai nghe truyền thống bởi rất khó để có thể thay thế pin lithium-ion bên trong, chưa kể các linh kiện điện tử phức tạp khác.

Tháng 7 năm nay, Apple từng cam kết sẽ trở thành công ty không phát thải carbon vào năm 2030, đồng thời ra mắt một robot mới có tên “Dave” để tháo rời iPhone cũ và thu hồi các vật liệu có thể sử dụng lại. “Về mặt lịch sử, tôi cảm thấy rằng họ đã thực sự đi đầu khi nói về biến đổi khí hậu. Ảnh hưởng của công ty đối với ngành công nghiệp này và hành vi của người tiêu dùng để lại rất nhiều trách nhiệm. Còn nhiều điều mà họ vẫn có thể làm trong tương lai", Zino chia sẻ.