Chi tiết chip của iPhone 16: A18 khác gì A18 Pro?

Chi tiết chip của iPhone 16: A18 khác gì A18 Pro?


Ở trung tâm của những phiên bản iPhone mới, thứ không có nhiều thay đổi và nâng cấp quá mới mẻ trong mắt nhiều anh em theo dõi sự kiện Glow Up rạng sáng nay theo giờ Việt Nam, là hai con chip A18 và A18 Pro. Dễ nhận ra một điều. Thay vì “xài lại” chip xử lý thế hệ trước trên iPhone 15 Pro, tức là A17 Pro, nâng cấp nhẹ xung nhịp CPU và thêm nhân GPU để trang bị cho hai chiếc iPhone phân khúc cơ bản, là iPhone 16 và iPhone 16 Plus, Apple quyết định nâng cấp luôn lên kiến trúc chip xử lý mới.
Có một điều chắc chắn, A18 không chỉ đơn thuần là A17 Pro đổi tên.
N3B vs N3P
Đầu tiên và quan trọng nhất, Apple vẫn giữ nguyên kết cấu 6 nhân CPU, với 2 nhân hiệu năng cao và 4 nhân tiết kiệm điện, giống như rất nhiều những kiến trúc chip xử lý khác. Hiện tại vẫn chưa có thông tin về kiến trúc nhân CPU bên trong A18 và A18 Pro, mà thay vào đó, mới chỉ có thông tin về tiến trình gia công con chip iPhone mới nhất.
Apple nói hai con chip xử lý này được gia công trên tiến trình 3nm thế hệ 2. Điều này có nghĩa là TSMC đã ứng dụng phiên bản nâng cấp của tiến trình gia công bán dẫn N3 của họ, ra mắt năm 2022 để sản xuất A18 và A18 Pro. Còn trong khi đó, A17 Pro được gia công trên tiến trình N3B, tiến trình 3nm cơ bản do TSMC phát triển và vận hành. Đây được coi là một tiến trình có phần phức tạp với những lớp transistor được quang khắc EUV tạo ra khó khăn trong quá trình sản xuất những wafer silicon 3nm của TSMC.

Có lẽ chính những vấn đề liên quan với tiến trình cơ bản N3B đã khiến con chip A17 Pro gặp một vài vấn đề, trong đó bao gồm vấn đề quá nhiệt, khiến con chip dù được trang bị bên trong chiếc điện thoại với chassis dày hơn, nhưng xung nhịp của con chip, bất chấp việc là một chip xử lý 3nm, cũng không cải thiện cho lắm so với thế hệ chip xử lý trước đó trên iPhone 14 Pro, A16 Bionic.
Vậy là, Apple cũng phải chờ tới tận thế hệ thứ hai của tiến trình 3nm từ TSMC để tối ưu được con chip xử lý cho iPhone. Nếu như N3B là tiến trình cơ bản, thì N3E là tiến trình tối ưu chi phí gia công, N3P tối ưu hiệu năng transistor cho SoC thiết bị tiêu dùng, và N3X tối ưu hiệu năng cho những chip xử lý máy chủ.
Và như đã nói, A18 và A18 Pro được gia công trên tiến trình N3P TSMC.
A18
Hệ quả, theo Apple, so với A16 Bionic, con chip được trang bị trên iPhone 15 và 15 Plus, được gia công trên tiến trình 5nm TSMC, A18 có hiệu năng CPU mạnh hơn 30%, hoặc cùng mức hiệu năng xử lý các tác vụ trên iPhone 16 và 16 Plus, điện năng tiêu thụ của A18 thấp hơn 30%.
Kết hợp với đó, là cụm 5 nhân GPU kiến trúc mới, mạnh hơn 40% so với A16 Bionic. Hiệu năng chơi game trong thời gian dài của A18 cũng mạnh hơn 30%. Đương nhiên những công nghệ hỗ trợ xử lý đồ họa mới trên kiến trúc chip xử lý A17 Pro hay gần đây là M4 trên iPad Pro OLED vẫn hiện diện trên A18. Chúng bao gồm khả năng xử lý ray tracing thời gian thực, cũng như xử lý đa giác gom dạng lưới.

Mà thật ra, cũng khá chắc kiến trúc chip M4 và A18/A18 Pro là một, Apple chỉ chỉnh sửa xung nhịp để phù hợp với khả năng vận hành, cấp điện và tản nhiệt của từng thiết bị, trong trường hợp này là iPhone và iPad. Tuy nhiên rạng sáng nay ngồi xem keynote của Apple, không thấy họ đề cập tới một tính năng rất hữu ích khi xử lý game là Dynamic Caching, vốn được giới thiệu trên M4. Dynamic Caching chia bộ nhớ Unified Memory một cách thông minh cho cả CPU lẫn GPU, tùy thuộc vào từng trường hợp để đảm bảo hiệu năng của chip xử lý trong quá trình chơi game ổn nhất.

 

Khá chắc chắn rằng, với A18, Apple muốn kích thích một chu kỳ đổi iPhone thế hệ mới. Lý do là, ngoại trừ iPhone 15 Pro và Pro Max ra mắt năm ngoái, với con chip A17 Pro, những chiếc iPhone thế hệ cũ hơn, hay thậm chí là cả iPhone 15 và 15 Plus đều không thể thực hiện những tính năng Apple Intelligence xử lý on device, chẳng hạn như Siri được nâng cấp, hay Genmoji chẳng hạn. Một lý do nữa iPhone 15 và 15 Plus không sử dụng được vài tính năng Apple Intelligence xử lý trên thiết bị, là vì giới hạn 6GB RAM trên chiếc máy.
Với thế hệ iPhone 16, toàn bộ 4 chiếc máy từ 16, 16 Plus, 16 Pro và 16 Pro Max đều đã được trang bị 8GB RAM. Kết hợp ngần ấy bộ nhớ để tải mô hình ngôn ngữ tạo sinh mà Apple phát triển, với cụm Neural Engine 16 nhân với kiến trúc mới, và thậm chí là cả nhân GPU xử lý số thực dấu phẩy động, những tính năng Apple Intelligence xử lý trên thiết bị sẽ được vận hành. Apple cho biết cụm NPU này có tốc độ xử lý 35 TOPS. Con số này đáng để tâm, vì cụm Neural Engine cũng 16 nhân của chip M4 tạo ra sức mạnh xử lý 38 TOPS. Điều này đồng nghĩa với việc, có thể Neural Engine của A18 và A18 Pro sẽ vận hành ở xung nhịp thấp hơn một chút để tối ưu thời lượng pin cũng như nhiệt độ của chip.
Đó là những thông tin mình có được, cũng như những dự đoán của mình về cách A18 vận hành bên trong iPhone 16 và 16 Plus. Còn nếu anh em hỏi A18 khác biệt như thế nào so với A18 Pro, có lẽ điều đáng kể nhất ở đây chính là cụm nhân xử lý Media Engine, thứ hỗ trợ hiển thị hình ảnh và xử lý nội dung đa phương tiện trên A18 Pro.
A18 Pro
Hãy nói về Media Engine trên A18 Pro trước đi. Chính cụm nhân xử lý này sẽ hỗ trợ xử lý hình ảnh để vận hành tính năng camera mới 48 megapixel Fusion Camera, cũng như quay video chuẩn Dolby Vision ở độ phân giải 4K 120 FPS. Với cụm nhân xử lý chuyên biệt này, cảm biến quad-pixel sẽ được vận hành ở hiệu năng tối đa của nó, tốc độ đọc dữ liệu nhanh hơn gấp đôi so với iPhone 15 Pro, không bị lag màn trập khi chụp hình 48MP ProRAW hay HEIF.


Rồi cũng chính cụm Media Engine này sẽ xử lý âm thanh từ những microphone thu âm mà Apple gọi là “studio quality”, để quay clip kết hợp với việc thu âm chuẩn Spatial Audio, để sau đó nghe lại trên những thiết bị như AirPods, Apple Vision Pro hay những hệ thống âm thanh vòm. Tốc độ truyền dẫn dữ liệu chuẩn USB 3 thông qua cổng USB-C trên chiếc iPhone 16 Pro cũng được cải thiện. Mà cũng có một tính năng rất cơ bản Media Engine sẽ phục vụ trên những chiếc điện thoại “Pro” thế hệ hiện tại, đó chính là hai tính năng Always On Display và ProMotion 120Hz của màn hình điện thoại.
Chính hệ thống Advanced Media Engine này sẽ là thứ tạo ra khác biệt đáng kể nhất giữa iPhone 16 và iPhone 16 Pro. Khác biệt thứ hai có lẽ là hiệu năng của CPU và GPU.


Vẫn là 6 nhân CPU, 2 hiệu năng cao, 4 tiết kiệm điện, giống hệt như A18, nhưng A18 Pro được Apple quảng cáo là có hiệu năng mạnh hơn A17 Pro tới 15%, nhưng tiêu thụ điện thấp hơn 20%. Cùng lúc, 6 nhân GPU cũng tạo ra hiệu năng xử lý ấn tượng hơn về mặt giải trí, nhiều trò chơi như Resident Evil 4 Remake, Assassin's Creed Mirage hay Death Stranding, chơi phiên bản được các hãng game phát triển phiên bản native cho Apple Silicon sẽ có hiệu năng cũng như chất lượng hình ảnh ấn tượng hơn nhiều.
Còn trong khi đó, Neural Engine trên A18 và A18 Pro có vẻ không khác biệt về cả hai khía cạnh cấu hình cũng như hiệu năng xử lý những thuật toán machine learning phục vụ nhiều tác vụ thuộc gói dịch vụ miễn phí Apple Intelligence.
Tạm kết
Nhìn chung, phải thừa nhận chiến lược sử dụng chip thế hệ cũ cho những chiếc iPhone phân khúc phổ thông như iPhone 15 hay 15 Plus trong vòng hai năm trước đó là chiến lược hợp lý để giảm giá thành sản xuất thiết bị, cũng như tối ưu lợi nhuận cho từng thế hệ thiết bị giữa thời điểm nhu cầu iPhone toàn cầu có xu hướng suy giảm trong khoảng 3 năm trở lại đây.
Tuy nhiên đến năm 2024, chiến lược này không còn nhiều giá trị, nhất là ở thời điểm cơn sốt AI tạo sinh với những tính năng hỗ trợ người dùng, từ tóm tắt thông tin cho tới chatbot tổng hợp thông tin đang bùng nổ. Apple thậm chí còn đang bị coi là đơn vị theo sau những đối thủ cạnh tranh khác như Meta hay Microsoft ở thị trường giải pháp ứng dụng AI. Vậy nên sử dụng chip A17 Pro cho iPhone 16 và 16 Plus không còn là ý tưởng hợp lý, kể cả về đánh giá của người dùng lẫn trên khía cạnh kinh doanh nữa.

 

Kết hợp với đó, là dung lượng RAM 6GB trên những chiếc máy iPhone mức giá khởi điểm hoàn toàn không phải thứ người dùng muốn, và cũng không phải thứ Apple còn được phép làm nếu muốn kích thích người dùng bỏ tiền mua iPhone 16. Nếu đã không có nhiều những tính năng mới trên thế hệ iPhone mới, chí ít là ở hai chiếc 16 và 16 Plus, thì Apple chỉ còn Apple Intelligence để kích cầu thị trường. Vậy nên họ vừa phải nâng cấp bộ nhớ RAM, vừa phải ứng dụng một con chip mới, với nhân Neural Engine kiến trúc mới, hiệu năng cao hơn.
Đó chính là lý do vì sao năm nay iPhone 16 series có định hướng ứng dụng những con chip có phần tương đồng với những thế hệ máy MacBook ra mắt vài năm trở lại đây, với những phiên bản tầm trung với con chip cơ bản kiến trúc mới, còn phiên bản Pro cũng kèm thêm chip “Pro” với hiệu năng cao hơn.


 

← Bài trước Bài sau →