Đánh giá Bose NC700 - nhiều thay đổi, đẹp hơn, trang bị nhiều tính năng nhưng làm chưa tới
- Người viết: anh Tâm lúc
- Tin tức
Bose NC700 là chiếc tai nghe chống ồn mới nhất của hãng âm thanh nổi tiếng đến từ nước Mỹ. 2 năm sau khi ra mắt QC35II, Bose bị Sony cạnh tranh mạnh mẽ ở với WH-1000XM3 cùng phân khúc giá. Có lẽ chính điều này đã thúc đẩy họ ra mắt NC700 với nhiều thay đổi mạnh mẽ từ thiết kế bên ngoài, chức năng cũng như lẫn chất âm. Thế nhưng bên cạnh những thay đổi mạnh mẽ đó, vẫn tồn tại một chút thiếu xót để sản phẩm trở nên hoàn hảo.
1/ Thiết kế: thay đổi toàn diện, đẹp hơn nhưng bất tiện hơn
Ngay từ cái nhìn đầu tiên, ae sẽ dễ dàng nhận ra Bose đã thay đổi gần như toàn bộ thiết kế quen thuộc của mình trên NC700. Từ trước nay cho đến QC35II, các tai nghe chống ồn cuả Bose có thiết kế tương tự nhau và chỉ có những thay đổi rất nhỏ về màu sắc hay các phím chức năng. Thế nhưng ở NC700 Bose đã mạnh tay thay đổi thiết kế của mình giúp mang đến một sản phẩm trẻ trung, hiện đại hơn và nữ tính hơn.
Mình dùng từ nữ tính hơn vì trước đây các sản phẩm của Bose có thiết kế thô cứng, mạnh mẽ, phù hợp với nam hơn. Còn với NC700 chúng ta sẽ thấy nhiều đường cong hơn. Từ phần gọng tròn cho đến phần earcup với các cạnh được vát cong mềm mại, cá nhân mình ban đầu thấy sản phẩm này phù hợp với mấy bạn nữ hơn vì nam đeo lên thì hơi nữ tính quá.
Điểm trừ của thiết kế này là chúng ta có một chiếc tai nghe đẹp nhưng không thể gấp gọn lại được. Phần xoay của earcup cũng có cảm giác khá lỏng lẻo vì xoay quanh 1 trục tròn. Và cuối cùng là cảm giác tăng giảm 2 bên có một cái gì đó không được tự nhiên nếu so với thiết kế kiểu cũ hay đơn giản là so với các tai nghe truyền thống khác. Ngoài ra cân nặng của NC700 cũng nhỉnh hơn 1 chút so với QC35II, không nhiều nhưng đủ để nhận ra.
Bose sử dụng hầu hết cao su non thay vì da như ở QC35II cho phần headband và mình nghĩ đây sẽ là vấn đề mà người dùng ở Việt Nam nên cân nhắc. Với kinh nghiệm của mình thì phần cao su này thường sẽ bong tróc hoặc chảy ra sau một thời gian sử dụng do thời tiết của VN. Không rõ Bose NC700 có ngoại lệ hay không vì vấn đề này cần phải có thời gian mới trả lời được.
Chỉ những vấn đề nhỏ ở trên thôi nhưng nếu ae nào đã và đang sử dụng các tai nghe chống ồn thì khi trải nghiệm NC700 sẽ thấy một chút cấn cấn. Là tai nghe chống ồn, hiển nhiên đối tượng sử dụng sẽ là những người thường xuyên di chuyển, đi lại trên máy bay. Chính vì vậy mà tính cơ động, sự tiện lợi thoải mái khi sử dụng là thứ mình nghĩ cần phải đặt lên hàng đầu.
2/ Tính năng: nhiều tính năng hơn nhưng chưa tới, chống ồn có tốt hơn nhưng không nhiều
Khi Bose ra mắt QC35II, nâng cấp mà người dùng nhận được đó là thêm một nút bấm để truy cập trợ lý ảo. Với NC700, Bose có lẽ đã nóng mặt với những gì mà Sony trang bị trên WH-1000XM3 nên hãng cũng bắt buộc phải thay đổi nhiều hơn cho lần ra mắt này.
Đầu tiên là phải nói về khả năng chống ồn. NC700 có đến 10 mức độ chống ồn khác nhau và để sử dụng người dùng bắt buộc phải dùng với ứng dụng Bose Music, tuy nhiên có một vấn đề nhỏ mà mình sẽ để cập ở phần sau. Nếu không dùng ứng dụng, ae chỉ đơn giản là chỉnh được 3 mức tương tự như trên QC35II đó là chống ồn tối đa, trung bình và tắt hẳn. Thực tế trải nghiệm thì NC700 chống ồn tốt hơn QC35II một chút nhưng không đáng kể, tuy nhiên nếu so với WH-1000XM3 thì khả năng chống ồn của NC700 vẫn còn thua xa.
Nếu nói về mức độ chống ồn thì WH-1000XM3 có đến 20 mức độ, tuy nhiên bỏ qua vấn đề con số và đi đến trải nghiệm thực tế, WH-1000XM3 thực sự xứng đáng là chiếc tai nghe có khả năng chống ồn tốt nhất hiện nay. Cụ thể nếu mình đeo ngoài đường thì WH-1000XM3 gần như không nghe được tiếng xe, NC700 vẫn nghe nho nhỏ và QC35II thì to hơn một chút. Bên cạnh khả năng chống ồn tốt hơn, WH-1000XM3 còn được trang bị một tính năng mà mình thấy cũng rất hữu ích đó là Focus on voice. Khi sử dụng tính năng này, khả năng chống ồn vẫn tuyệt vời nhưng chúng ta vẫn có thể nghe được các tiếng thông báo, có thể nói ae nào mà hay đeo tai nghe ở sân bay, nhà ga thì tính năng này là vô cùng cần thiết.
Thứ 2 là khả năng cảm ứng để điều khiển. Đây là tính năng được Sony trang bị cho sản phẩm MDR-1000X cách đây tận 3 năm và mãi đến tận bây giờ Bose mới trang bị cho sản phẩm mới nhất của mình. Tuy nhiên một điều mà theo mình khá củ chuối đến từ thiết kế của sản phẩm đó chính là phần gọng chia cắt earcup ra làm đôi nên diện tích để ae có thể chạm vuốt chỉ còn rất nhỏ. Chính vì vậy tính năng thì có đó nhưng về độ tiện dụng để dùng hoặc so sánh với bề mặt to bự của WH-1000XM3 thì thua đứt đuôi con nòng nọc
Một tính năng mới cũng được Bose giới thiệu nữa là Conversation Mode. Đây là tính năng tương tự Quick Attention trên WH-1000XM3 giúp người dùng có thể đeo tai nghe nhưng vẫn có thể nghe và trò truyện được với những người xung quanh. Tuy nhiên có một số điểm khác biệt nhất định trong cách thức hoạt động của 2 sản phẩm mặc dù mới nghe qua thì có vẻ là giống nhau:
- Về thao tác: NC700 kích hoạt tính năng này bằng cách nhấn và giữ nút ở earcup bên trái. Trong khi đó ở WH-1000XM3 thì dùng chỉ việc để tay che phần earcup bên phải là tính năng này sẽ tự động được kích hoạt. Như vậy thì về thao tác sử dụng thì Sony cho cảm giác thuận tay và tự nhiên hơn so với Bose.
- Về nguyên tắc hoạt động: khi kích hoạt tính năng này thì ở NC700 Bose chỉ đơn giản là tắt đi khả năng chống ồn mà thôi, trong khi đó ở WH-1000XM3, Sony sẽ sử dụng các micro trên tai nghe để thu giọng nói của người trò chuyện đồng thời phát vào tai nghe giúp nghe rõ hơn rất nhiều. Do đó có thể nói ở NC700 thì có thể gọi là tính năng cho vui chứ thực tế không có gì cả.
May mắn thay là NC700 lại có chất lượng đàm thoại rất tốt. WH-1000XM3 vốn dĩ đã cho chất lượng đàm thoại tốt rồi, tuy nhiên thực tế trải nghiệm thì NC700 đã chiến thắng. Theo Bose thì họ trang bị đến 4 micro để phục vụ cho việc đàm thoại và thực tế so sánh thì NC700 cho chất lượng đàm thoại rõ ràng và lọc tiếng ồn xung quanh tốt hơn WH-1000XM3. Ngoài ra, Bose còn trang bị tính năng Self Voice khá độc đáo, tính năng này gíup loại bỏ tiếng của mìnhh vọng lại trong tai nghe khi đàm thoại với người khác. Ae cũng có thể chỉnh mức độ loại bỏ thông qua ứng dụng Bose Music.
3/ Ứng dụng Bose Music: chưa dùng được trên iPhone, kém ổn định trên Android
Như có đề cập bên trên, Bose Music là ứng dụng mà ae cần phải cài đặt nếu muốn sử dụng ngon lành NC700 vì có rất nhiều tính năng mà mình giới thiệu ở trên phải dùng thông qua app này. Trước đây, QC35II thì sử dụng ứng dụng Bose Connect, còn ứng dụng Bose Music thì mình đã từng đánh giá qua một lần khi nói về Home Speaker 500.
Với ấn tượng không mấy tốt đẹp gì ở bài viết trước, lần này Bose lại khiến mình không thể bực mình hơn vì dù làm cách gì thì cũng không thể kết nối được NC700 với Bose Music trên iOS. Những tưởng là đành bó tay ai dè khi kết nối qua chiếc điện thoại Android thì lại kết nối được mặc tuy nhiên độ ổn định khá kém.
Chẳng hạn như mỗi lần mình nghe nhạc trên Spotify, mỗi khi muốn chỉnh cái gì đó trên Bose Music thì mở ứng dụng lên thì thấy NC700 không còn kết nối với ứng dụng nữa. Phải chờ một lúc để ứng dụng scan và tìm lại thiết bị, nếu may mắn mình sẽ thấy tai nghe của mình và nhấn vào kết nối để sử dụng. Nếu không may mắn, mình lại phải thoát ứng dụng ra và lặp lại các thao tác kia vài lần thì mới kết nối được. Nói chung kể từ lúc mình đánh giá Home Speaker 500 cho đến giờ cũng đã được 9 tháng mà có vẻ như Bose cũng không mặn mòi gì lắm trong việc nâng cấp phần mềm của mình. Mình có tìm hiểu thì có rất nhiều khách hàng dùng iOS gặp vấn đề tương tự như mình và hiện Bose cũng chưa đưa ra giải pháp gì rõ ràng để giải quyết triệt để cả.
4/ Bose AR: tính năng hay trò đùa
Điều trớ trêu ở đây là Bose AR chỉ hoạt động trên iOS và muốn vậy thì ae phải kết nối được với ứng dụng Bose Music. Còn trên Android mặc dù kết nối được với Bose Music lại Bose lại cho biết Bose AR trên Android vẫn còn trong giai đoạn phát triển nên xem như là chưa có. Như vậy mặc dù đây là một tính năng được Bose quảng cáo khá hay ho tuy nhiên thực tế thì hiện tại ae không thể trải nghiệm được dù dùng iOS hay Android.
5/ Âm thanh: Tốt hơn nhưng có 1 điểm trừ nhỏ
NC700 có chất âm tốt hơn QC35II nhưng không nhiều. Sản phẩm vẫn giữ soundsignature đặc trưng của Bose là dầy, ấm, mượt và bass tốt, tuy nhiên khi so với QC35II mình nhận ra là NC700 trong trẻo hơn và có chất âm chi tiết hơn.
Nếu so sánh với WH-1000XM3, NC700 có âm trường rộng hơn một chút nhưng không đáng kể. Sony với đặc trưng chất tiếng trẻ trung với tiếng bass fun nên sẽ phù hợp với các thể loại nhạc trẻ pop dance các kiểu. Ae nếu thích nghe nhạc vàng, nhạc chậm rãi thì NC700 sẽ hợp hơn.
Một điểm trừ nhỏ ở NC700 đó chính là bị méo tiếng ở mức âm lượng từ 80% trở lên. Từ mức này thì chất âm của NC700 bị mỏng đi chứ không còn tròn trịa nữa. Và chỉ cần nhích thêm 1 mức âm lượng thì sẽ có cảm giác giống như hét vào tai chứ không còn kiểm soát gì nữa. Mình nghĩ cái này có thể do mạch amply tích hợp trong tai nghe chưa tốt lắm. Ngoài ra cũng có thể là do phần mềm hay gì đó, với lại mức này cũng khá to so với người nghe thông thường, tuy nhiên với những ae nào hay nghe nhạc to thì lên nhiêu đây cũng chưa thấm thía gì.
6/ Kết
Mình từng khá háo hức kể từ khi NC700 được giới thiệu, với hàng loạt tính năng hấp dẫn đối đầu trực tiếp với Sony WH-1000XM3, mình kỳ vọng Bose sẽ làm tốt hơn thế này từ phần cứng cho đến phần mềm. Thế nhưng đổi lại ở đây là một sản phẩm mà theo mình là chưa tới và Bose cần phải làm nhiều thứ hơn nữa. Ở thời điểm hiện tại, mình nghĩ QC35II vẫn là lựa chọn tốt nếu ae yêu thích chất âm của Bose, còn nếu ae muốn một chiếc tai nghe chống ồn với nhiều tính năng thông minh thì WH-1000XM3 sẽ là lựa chọn tốt hơn.