EU: iMessage là dịch vụ của riêng Apple, không cần mở cho các hãng khác dùng chung nền tảng
- Người viết: CodeWeb lúc
- Tin tức
Tiếp tục với đạo luật DMA, đạo luật thị trường số mà liên minh châu Âu vừa thông qua, dự kiến có hiệu lực từ ngày 7/3 tới, chưa đầy 1 tháng nữa. Tâm điểm của đạo luật này là việc ủy ban châu Âu yêu cầu Apple phải mở hệ sinh thái iPhone hay iPad để những dịch vụ thanh toán và những chợ ứng dụng của bên thứ ba cùng tồn tại. Và chính cái cách Apple tuân thủ đạo luật DMA cũng đang khiến các dev và các ứng dụng bên châu Âu tranh cãi:
Ở khía cạnh có lợi hơn rất nhiều cho Apple, là các quan chức ủy ban châu Âu vừa đưa ra kết luận rằng nền tảng nhắn tin iMessage của Apple không phải một “dịch vụ cốt lõi của nền tảng”. Vậy là không còn lý do gì để các đơn vị ngoài Apple, từ Google đến những ứng dụng nhắn tin RCS đòi hỏi phải cho phép người dùng điện thoại Android được nhắn tin “chữ xanh lam” với những người dùng máy iPhone, iPad hay MacBook nữa.
Nhưng đằng nào thì Apple cũng đang có kế hoạch tạo ra một ứng dụng thứ hai bên cạnh iMessage để hỗ trợ mọi người nhắn tin theo giao thức RCS giữa những chiếc iPhone và điện thoại Android, dự kiến ra mắt trong tương lai.
Ở một bên khác, Microsoft cũng nhận được kết luận theo chiều hướng có lợi cho họ. Cụ thể hơn, theo quan điểm của ủy ban tư vấn thị trường trực tuyến, trình duyệt Edge, công cụ tìm kiếm Bing, và giải pháp quảng cáo trực tuyến Microsoft Advertising hoàn toàn không phải những dịch vụ được tạo ra để ngăn chặn những đối thủ cạnh tranh tham gia vận hành trên cùng một nền tảng.
Phía Google bày tỏ quan điểm phản đối quyết định của ủy ban châu Âu: “Miễn trừ những dịch vụ phổ biến này ra khỏi quy định của đạo luật DMA đồng nghĩa với việc người tiêu dùng và các doanh nghiệp sẽ không được tiếp cận và có quyền lựa chọn những giải pháp vốn đã có trên những nền tảng mở hơn trên thị trường.”
Còn như đã nói, dẫn lời người phát ngôn của Apple: "Giao thức nhắn tin RCS sẽ tồn tại và vận hành song song với iMessage, thứ vẫn sẽ tạo ra trải nghiệm nhắn tin bảo mật nhất với những người dùng thiết bị của Apple.
Nói cách khác, Google phản đối đơn giản vì DMA và ủy ban châu Âu đã từ chối yêu cầu Apple phải mở hệ thống iMessage cho Google và các đơn vị khác tham gia vận hành dịch vụ tin nhắn, thứ được Apple tự phát triển và vận hành từ rất nhiều năm nay.
Đen đủi hơn có lẽ là Meta. Các nhà lập pháp và quản lý tại châu Âu coi một ứng dụng đúng của bên thứ ba vận hành trên các hệ điều hành iOS và Android, là WhatsApp và Messenger là hai ứng dụng được thiết kế để ngăn chặn những bên khác có thể cạnh tranh với đế chế quảng cáo trực tuyến của Meta. Hệ quả, cả hai dịch vụ này sẽ phải tìm cách để vận hành qua lại được với những ứng dụng nhắn tin khác, Viber hay Telegram chẳng hạn. Làm cách nào, thì lại là công việc của các kỹ sư và nhà phát triển tại Meta.
Trình duyệt Safari của Apple cũng bị coi là một dịch vụ cốt lõi của nền tảng, giống như bản thân App Store.
Theo Techspot