Metaverse là tham vọng của Facebook, nhưng có thể Apple triển khai ý tưởng đó thành công hơn nhiều

Metaverse là tham vọng của Facebook, nhưng có thể Apple triển khai ý tưởng đó thành công hơn nhiều

Đến giờ phút này, hầu hết anh em có lẽ đã có ý niệm cơ bản về khái niệm gọi là metaverse, một phần nhờ vào cả năm trời rào đón của CEO Mark Zuckerberg, cũng như việc chính bản thân tập đoàn Facebook của anh này đổi tên thành Meta mới đây. Rồi đến lượt các tập đoàn khổng lồ như Disney, Tencent hay Warner Music Group cũng bắt đầu sử dụng khái niệm Metaverse như một khía cạnh mang tính chiến lược, nhằm mô tả tương lai của công nghệ, nơi mọi người sẽ tương tác với nhau thông qua những thế giới ảo chứa đựng các nội dung vô cùng đa dạng, và doanh thu sẽ kiếm từ chính thế giới ảo ấy.

Nhưng trong khi Meta dù rằng đã có cả chục năm đi trước về mặt công nghệ, với những cặp kính thực tế ảo sau khi họ mua lại Oculus, cũng như những nghiên cứu sâu về công nghệ thực tế trộn (AR - Augmented Reality), lượng người dùng trong hệ sinh thái AR của họ đến giờ vẫn tương đối nhỏ, chỉ loanh quanh khoảng 10 triệu người dùng.

Còn trong số những ứng dụng MXH thành công nhất của Meta, bao gồm Facebook, Instagram và WhatsApp, ứng dụng chia sẻ ảnh Instagram đang có tỷ lệ ứng dụng AR cao nhất. Nhưng trong số 1,3 tỷ người dùng Instagram, cũng chỉ có khoảng 400.000 người phát triển những bộ lọc hình ảnh AR, dựa vào công cụ Spark AR của Meta. Con số đó, nói thẳng ra, là quá nhỏ so với tham vọng phổ biến hóa metaverse của Meta. Sự háo hức của cả ngành công nghệ với metaverse ở thời điểm hiện tại vẫn còn tương đối sớm.

Bất chấp số lượng người sử dụng AR và VR vẫn còn tương đối thấp ở thời điểm hiện tại, ý tưởng metaverse đã bắt đầu thâm nhập vào kế hoạch kinh doanh của nhiều tập đoàn lớn, bất chấp mặt hàng hay chiến lược của tập đoàn đó có liên quan trực tiếp tới metaverse hay không.

Nhưng nếu nói về metaverse, Meta dù có lợi thế công nghệ, nhưng Apple mới là tập đoàn có lợi thế về mặt hệ sinh thái để đem metaverse trở thành khái niệm và sản phẩm thực tiễn có thể thương mại hóa. Biết bao nhiêu lần, Apple đã xóa tan những hoài nghi của người tiêu dùng để tạo ra thị trường cho những thiết bị điện toán thế hệ mới. Những dấu hiệu gần đây nhất cho thấy, Apple cũng có lợi thế lớn để đưa metaverse trở thành hiện thực.

Theo phân tích mới nhất của Ming Chi Kuo, cặp kính AR Apple đang phát triển “sẽ được ra mắt vào quý IV năm 2022, trang bị 2 mẫu chip xử lý. Một trong hai con chip sẽ có sức mạnh điện toán tương đương với chip M1 của máy tính Mac, và chip còn lại thì xử lý những thuật toán liên quan tới cảm biến đặt trong kính.” Thiết bị đeo này, theo Kuo, sẽ đủ khả năng và sức mạnh xử lý trải nghiệm thực tế ảo cho người dùng.

Apple hiện tại cũng có một bộ công cụ rất mạnh để phát triển thực tế trộn, tên là ARKit. Kể từ năm 2016 đến nay, CEO Tim Cook đã nhiều lần nhấn mạnh rằng AR là “công nghệ lõi” của Apple. Nhưng vẫn đi đúng theo định hướng chắc chắn của công ty, Apple không ra mắt những thiết bị mang tính thử nghiệm, nhiều lỗi như các hãng khác, mà chờ đến khi công nghệ thực sự chín mới ứng dụng chúng cho các sản phẩm thương mại hóa. Kết hợp kính AR với AirPods và iPhone, khái niệm metaverse thực sự là thứ dành cho một tập đoàn như Apple triển khai và ứng dụng.

Hiện tại, cuộc đua metaverse đã bắt đầu đi vào giai đoạn nóng. Ngoài Meta và Apple, Alphabet với sản phẩm thất bại vì đi trước thời đại quá xa, Google Glass ra mắt năm 2013 cũng đang muốn tiến đánh thị trường AR, khi tích hợp công nghệ này vào công cụ tìm kiếm Google. Amazon cũng đang bắt đầu tích hợp bộ lọc AR để khách hàng chọn đồ trên trang thương mại điện tử của họ có thể theo dõi một cách trực quan sản phẩm cần mua. Còn đi trước tất cả những ông lớn kể trên chính là Microsoft, khi HoloLens giờ đã ra mắt đến thế hệ thứ hai.

Đến giờ, nhược điểm cơ bản của công nghệ AR là tạo ra một cặp kính với kích thước, trọng lượng và giá thành hợp lý phục vụ cho số đông. Những ví dụ hợp lý nhất đến thời điểm hiện tại là Snap với cặp kính chụp ảnh Spectacles. Nhưng nó không phổ biến, và hầu hết đều coi đó là một phép thử của startup mạng xã hội chia sẻ video.