Theo Bloomberg, Pegatron là đối tác thứ hai của Apple bắt đầu lắp ráp iPhone 14 tại Ấn Độ.
Nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới đặt tại Trịnh Châu (Trung Quốc) đang trong khu vực phong tỏa theo chính sách zero-Covid. Điều này đặt Apple vào thế khó ngay trước mùa cao điểm mua sắm cuối năm. “Táo khuyết” phụ thuộc sâu sắc vào chuỗi cung ứng Đại lục, bất chấp đã tăng cường mở rộng hoạt động tại Ấn Độ.
Foxconn bắt đầu sản xuất iPhone 14 tại Ấn Độ từ tháng 9, chỉ vài tuần sau lễ ra mắt và không muộn hơn nhiều so với Trung Quốc, nơi lắp ráp phần lớn iPhone.
Apple đang tìm kiếm các địa bàn sản xuất thay thế trong bối cảnh cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung leo thang và Trung Quốc siết chặt chính sách phòng chống Covid-19. Cùng lúc này, New Delhi lại định vị Ấn Độ trở thành cường quốc sản xuất cạnh tranh với Trung Quốc.
Các nhà thầu của Apple - Foxconn, Wistron và Pegatron – đều đang tích cực mở rộng tại quốc gia Nam Á, bổ sung các dây chuyền sản xuất để bù đắp cho sản lượng bị ảnh hưởng tại Trung Quốc. Nhà máy iPhone của Foxconn và Pegatron đặt tại Tamil Nadu, còn Wistron ở Bengaluru. Apple hiện sản xuất iPhone SE, iPhone 12, iPhone 13 và iPhone 14 (bản thường) tại đây. Dù vậy, tất cả các mẫu iPhone Pro đều phải nhập khẩu.
Theo Economic Times, Wistron dự định mở thêm một nhà máy tại Kolar vào cuối tháng 11 và bắt đầu sản xuất từ tháng 1/2023. Hiện nay, Wistron sở hữu 4 dây chuyền sản xuất iPhone 14 tại khu công nghiệp Kolar. Trong khi đó, Foxconn sẽ mở rộng một trong các nhà máy gần Chennai và tiếp tục tuyển nhân công.
Đóng góp của Trung Quốc đối với sản lượng iPhone toàn cầu được dự đoán giảm từ 95,8% năm 2021 xuống 91,2 – 93,5% năm nay. Ngược lại, Ấn Độ tăng lên 5-7% từ 3% năm trước, theo Counterpoint.
Cả ba nhà thầu đều được hưởng ưu đãi liên quan đến sản xuất của chính phủ Ấn Độ. Dù vậy, một trở ngại lớn đối với chuyển dịch sản xuất ra khỏi Trung Quốc là hầu hết linh kiện iPhone có nguồn gốc tại đây và phải vận chuyển đến các nhà máy lắp ráp.
Theo Economic Times