Thừa khả năng biến iPad thành thiết bị thay thế laptop, nhưng Apple luôn từ chối làm điều này: Vì sao?

Thừa khả năng biến iPad thành thiết bị thay thế laptop, nhưng Apple luôn từ chối làm điều này: Vì sao?

iPad là một thiết bị kỳ lạ. Dù có phần cứng mạnh mẽ nhưng chiếc máy tính bảng này vẫn không thể thay thế được laptop. Nó dường như chỉ phù hợp để trở thành vật dụng giải trí cho trẻ em.
iPad sinh ra để làm gì?

Chúng ta đều biết về mục tiêu đầy tham vọng của máy tính bảng khi ra đời. Nhiều người dùng kỳ vọng thiết bị này có thể thay thế máy tính xách tay và máy tính để bàn, trở thành thiết bị chuyên dụng duy nhất cho các tác vụ hàng ngày, từ công việc đến giải trí.

Thế nhưng, câu chuyện kỳ diệu đó đã không xảy ra. Hơn 10 năm ra mắt, các mẫu máy tính bảng đầu tiên như iPad vẫn có chỗ đứng trên thị trường nhưng doanh số luôn thấp hơn nhiều so với máy tính truyền thống.

Điều ngạc nhiên hơn cả là iPad vài năm trở lại đây thành công vang dội về mặt thương mại hơn khi không cố ép mình trở thành một thiết bị thay thế cho laptop. Apple muốn iPad đúng nghĩa là máy tính bảng. Một dạng thiết bị độc nhất.

Về cơ bản, các máy tính bảng phổ biến nhất hiện nay không thể và cũng không tìm cách thay thế máy tính xách tay. Chúng nhằm mục đích trở thành một tiện ích hào nhoáng mà người dùng sử dụng cùng với máy tính (lúc mà không có điện thoại trong tay).

Không ngạc nhiên khi công ty Cupertino đã thành công trong việc thuyết phục người dùng rằng họ cần ba sản phẩm Apple trở lên trong cuộc sống. Nhưng ý nghĩa chính xác của chiến lược này là gì và rốt cuộc vì sao Ipad vẫn chỉ dừng lại là chiếc máy tính bảng?

Trong vài năm qua, dòng sản phẩm iPad của Apple đã đi một chặng đường dài về phần cứng, đặc biệt là khi nói đến các mẫu iPad Pro cao cấp.

Việc tích hợp chip M1 đã mang lại cho máy tính bảng của công ty Cupertino lợi thế chưa từng có trước các đối thủ cạnh tranh - không chỉ so với các thiết bị Android như Galaxy Tab S8 Ultra mà còn so với các thiết bị chạy Windows như Microsoft Surface 9.

Cần lưu ý rằng ngay cả những mẫu iPad kém cao cấp hơn như iPad Air (2022) vẫn mang lại hiệu năng vượt trội so với máy tính bảng trong cùng tầm giá.

Khi kết hợp với các đặc quyền của hệ sinh thái Apple, không khó để giải thích sức hấp dẫn vô song của iPad. Trên thực tế, sức hấp dẫn này mạnh mẽ đến mức có thể thu hút người tiêu dùng bất chấp vẫn có những hạn chế đến từ iPadOS.

Có một câu chuyện mà nhiều người vẫn không hiểu nổi khi nói đến cách làm máy tính bảng của Apple.

Công ty dày công phát triển một con chip xử lý mạnh như một chiếc máy tính thực thụ. Sau đó, họ đưa vào một chiếc máy tính bảng chạy hệ điều hành chỉ là phiên bản nâng cấp của iOS trên iPhone.

Về mặt phần cứng, iPad gần giống với máy tính xách tay, nhưng về phần mềm, nó lại giống iPhone một cách kỳ lạ. Hầu như không có ứng dụng nào trên iPadOS có thể tận dụng hết khả năng của chip M1/M2. Phần cứng mạnh của iPad trở nên dư thừa và lạc lõng.

Người dùng có cần một chiếc iPhone khổng lồ?

Sự phát triển của iPad (và của máy tính bảng nói chung) đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi cách thức phát triển của điện thoại thông minh trong thập kỷ qua.

Một trong những lý do chính là vì chúng không giống như máy tính xách tay và máy tính để bàn, khi sử dụng phương pháp nhập liệu là màn hình cảm ứng. Do đó, các hệ điều hành máy tính bảng và chức năng của thiết bị được xây dựng dựa trên Android và iOS, thay vì Windows và MacOS.

Thật không may, công ty Cupertino không muốn làm điều này và đang cố gắng định vị iPad như một nền tảng trung gian giữa MacOS và iOS. Họ chỉ cho phép iPad mạnh hơn, to hơn iPhone, nhưng không được phép đủ tầm thay thế MacBook.

Điều đó khiến người dùng cảm thấy lạc lối. iPad trở thành một sản phẩm cấp ba, một sản phẩm không thể cung cấp tính di động của iPhone hay hiệu suất của MacBook.

Mục đích tốt nhất trên iPad chỉ là giải trí đa phương tiện hoặc tệ nhất là trở thành một món đồ chơi dành cho trẻ em. Nói rộng ra, máy tính bảng không cần thiết đối với hầu hết người dùng.

Về cơ bản, Apple đang cố tình làm tê liệt iPad để cho phép MacBook tỏa sáng.

Liệu một chiếc iPad có khả năng đe dọa MacBook hay không là một câu hỏi còn để ngỏ. Tuy nhiên, Apple đang ngày trở nên mâu thuẫn khi có ý định tăng cường cho iPad nhiều sức mạnh hơn nữa với chip M3 thế hệ tiếp theo.

Các tin đồn cho thấy một số nâng cấp quan trọng của iPad dự kiến sẽ ra mắt vào năm 2024. Không chỉ chip M3 và tấm nền OLED cho các mẫu Pro mà hãng có thể chỉnh sửa thiết kế và ra mắt iPad kích thước 14 inch.

Với việc iPad được định hướng để trở nên lớn hơn, mạnh hơn và thậm chí đắt hơn, hầu như không có lý do gì để Apple cứ mãi giới hạn thiết bị trong những hạn chế hiện tại của iPadOS.

Còn nếu iPad tiếp tục được xác định là thiết bị giải trí trung gian, công ty có lẽ chẳng cần nâng cấp phần cứng lên làm gì cho tốn công sức.

iPad hoặc phải phát huy hết tiềm năng (có thể phải trả giá bằng MacBook) hoặc nên tiếp tục là một thiết bị nhỡ nhàng.