Vì sao không có app diệt virus cho iPhone

Vì sao không có app diệt virus cho iPhone

Kể cả khi bạn bắt gặp ứng dụng có tên "antivirus" trên iOS thì thực chất nó chỉ là chương trình bảo mật, không có tính năng diệt virus.


Do sự khác biệt cơ bản trong nguyên lý hoạt động của hệ điều hành, trên thực tế không có ứng dụng iOS nào sở hữu tính năng diệt virus tương tự phần mềm trên Windows hay macOS. Tuy nhiên, người dùng cần chú ý vấn đề bảo mật cho thiết bị của mình.

Không có ứng dụng diệt virus cho iPhone

Phần mềm diệt virus (antivirus) trên máy tính có toàn quyền truy cập vào hệ điều hành. Chúng sử dụng khả năng này để quét qua ứng dụng và file, kiểm tra mã độc có ẩn nấp bên trong hay không.

Trên iPhone, ứng dụng hoạt động theo phương thức khác. Mỗi app được cài đặt trong iOS đều chạy bên trong một sandbox, môi trường khép kín giới hạn những chức năng nhất định. Ứng dụng chỉ có thể truy cập vào những dữ liệu được người dùng cấp phép.

Do đó, ứng dụng "bảo mật" cũng buộc phải chạy trong sandbox như tất cả app khác trên iOS. Thậm chí nó không thể thấy danh sách các ứng dụng cùng có trong iPhone, càng không thể quét bất kỳ thứ gì trên thiết bị để tìm phần mềm độc hại.

Ngay cả khi bạn đã cài đặt ứng dụng có tên "virus nguy hiểm" trên iPhone của mình, các ứng dụng bảo mật iPhone vẫn không thể tìm ra app đó.

Theo Howtogeek, đó là lí do chưa từng xuất hiện trường hợp ứng dụng bảo mật nào ngăn mã độc lây nhiễm vào iPhone. Nếu tồn tại một app như vậy, có lẽ nó sẽ được nhà phát triển công bố rộng rãi.

Hiển nhiên iPhone vẫn tồn tại các lỗi bảo mật. Nhưng vấn đề này được giải quyết thông qua các bản cập nhật iOS. Việc cài đặt ứng dụng "antivirus" trên iPhone không giúp ích gì trong trường hợp này. Người dùng chỉ cần thường xuyên cập nhật phiên bản iOS mới nhất.

Phương thức bảo mật trên iPhone
iPhone được bảo vệ bởi một loạt cơ chế bảo mật khác nhau. Dòng smartphone này chỉ cho phép cài đặt ứng dụng từ App Store, sau khi đã được Apple rà soát kĩ lưỡng và phê duyệt. Nếu tìm thấy mã độc trong app có trên kho ứng dụng, Apple sẽ xóa ngay lập tức đồng thời yêu cầu iPhone loại bỏ nó để bảo vệ an toàn cho người dùng.

iPhone có tính năng Find My iPhone, hoạt động thông qua iCloud, cho phép người dùng định vị, khóa, xóa từ xa iPhone bị mất hoặc bị đánh cắp. Bạn không cần một ứng dụng bảo mật đặc biệt với các tính năng chống trộm.

Để kiểm tra xem Find My iPhone đã được bật hay chưa, hãy truy cập Settings, chạm vào tên người dùng của bạn phần trên màn hình, sau đó vào Find iPhone > Find My iPhone.


Trình duyệt Safari trên iPhone có tính năng cảnh báo trang web lừa đảo, hay còn gọi là bộ lọc chống lừa đảo. Nếu truy cập vào một trang web được thiết kế để lừa người dùng cung cấp thông tin cá nhân - chẳng hạn như trang web giả mạo ngân hàng trực tuyến - bạn sẽ thấy một cảnh báo.

Để kiểm tra xem tính năng này có được bật hay không, hãy đi tới Settings > Safari và tìm tùy chọn Fraudulent Website Warning trong phần Privacy & Security.

Vai trò của app bảo mật trên iPhone
Không ứng dụng nào thật sự có thể hoạt động như phần mềm chống virus trên iPhone, nhưng vẫn có những app như Avira Mobile Security, McAfee Mobile Security, Norton Mobile Security hay Lookout Mobile Security. Vậy thực chất chúng hoạt động như thế nào?

Apple không cho phép các app như vậy quét toàn bộ ứng dụng và tập tin để tìm mã độc. Chúng thường bao gồm những tính năng bảo mật khác. Chẳng hạn định vị từ xa để tìm khi máy bị mất trộm (tương tự Find My), đặt mật khẩu cho các hình ảnh riêng tư, quản lý mật khẩu, chặn cuộc gọi và VPN.


Một số app cung cấp thêm tính năng duyệt web an toàn, hoạt động gần giống bảo mật của Safari; cảnh báo thông tin bị đánh cắp thông qua kết nối với kho dữ liệu rò rỉ trực tuyến.

Các ứng dụng này đi kèm một số chức năng liên quan đến bảo mật, vì vậy Apple phê duyệt chúng trên App Store. Tuy nhiên, người dùng cần tránh hiểu lầm đó là những app diệt virus hoặc ngăn mã độc.

Đừng bẻ khóa iPhone
Tất cả những điều được đề cập bên trên đúng với iPhone không bị bẻ khóa (jailbreak). Ứng dụng trên một chiếc iPhone đã jailbreak có thể hoạt động ngoài sandbox, cho phép cài app từ nguồn bên thứ 3 – những ứng dụng không được Apple kiểm tra bảo mật.

Howtogeek khuyên người dùng không nên jailbreak. Apple cũng quyết liệt phản đối việc này và tìm mọi cách để iPhone khó bị bẻ khóa hơn.

Táo khuyết thường xuyên công bố các bản cập nhật phần mềm để vá các lỗ hổng hoặc nguy cơ bị xâm nhập bởi các công cụ jailbreak. Họ cũng đưa ra các đề nghị hấp dẫn dành cho những chuyên viên bảo mật bên ngoài để họ tìm ra những lỗ hổng là bí mật báo cho Apple thay vì công bố rộng rãi.

Trên iPhone đã bẻ khóa, người dùng phải chịu những rủi ro về bảo mật và sự ổn định của thiết bị. Sử dụng jailbreak đồng nghĩa là dữ liệu không còn độ bảo mật cao như trước đây. Các ứng dụng ngân hàng hay trò chơi có tính năng chống gian lận có thể phát hiện thiết bị đã bị bẻ khóa và chặn người dùng.