A16 Bionic: Bố cục giống A15, nhưng dùng nhân xử lý mới tối ưu, xung cao hơn nhưng tiết kiệm pin hơn

A16 Bionic: Bố cục giống A15, nhưng dùng nhân xử lý mới tối ưu, xung cao hơn nhưng tiết kiệm pin hơn

 

Đấy là những thông tin vừa được hé lộ. Trên thế hệ chip A15 ra mắt cùng iPhone 13, 2 nhân hiệu năng cao có tên mã Avalanche chỉ chạy ở xung nhịp 3.23 GHz. Còn trong khi đó, hai nhân hiệu năng cao tên mã Everest trong A16 Bionic chạy ở xung nhịp cao hơn, 3.46 GHz. Bản thân 4 nhân tiết kiệm điện của A16 cũng được thay đổi, kiến trúc tên mã Sawtooth thay vì Blizzard. Blizzard chạy ở xung tối đa 2.01 GHz, còn Sawtooth là 2.02 GHz.
 

 

Chính nhân Avalanche và Blizzard sau đó trở thành kiến trúc CPU cơ bản của thế hệ Apple Silicon M2, hiện giờ đang được trang bị trong những chiếc MacBook Air thế hệ mới.
Cũng là A15 Bionic, nhưng trên iPhone 14 và 14 Plus, anh em sẽ có thêm 1 nhân GPU nữa xử lý các tác vụ đồ họa, tức là 5 core thay vì 4 core trên iPhone 13.

Khác biệt giữa tiến trình 5 và 4nm của TSMC đã cho phép Apple chạy các nhân CPU của A16 ở xung nhịp cao hơn, nhưng chênh lệch nhiệt độ và tiêu thụ điện năng không bị ảnh hưởng quá nhiều bên trong package của một chiếc điện thoại, vốn rất chật chội.
Cụ thể thì Apple nói rằng hai nhân Everest trong A16 Bionic tiêu thụ điện năng chỉ đạt 80% so với hai nhân Avalanche trong A15. Đương nhiên điều này không đồng nghĩa với việc thời lượng pin của iPhone 14 Pro sẽ cao hơn 20%.

 

 

Việc sử dụng hai nhân hiệu năng cao và bốn nhân tiết kiệm điện từ lâu đã trở thành cách triển khai của Apple khi lên bố cục SoC cho những chiếc iPhone. Lý do cũng đơn giản. So với iPad, iPhone không có được lợi thế về mặt không gian tản nhiệt, cũng như công suất pin để cấp nguồn cho con chip chạy ở xung nhịp cao, hoặc chip có nhiều nhân, ví dụ cơ bản nhất chính là M1 đang hiện diện bên trong những chiếc iPad Pro 11/12.9 inch và chiếc iPad Air mới.
Điều này càng khiến chúng ta kỳ vọng xem đến thế hệ chip mới được sản xuất trên tiến trình 3nm TSMC, tiến trình được người Đài Loan dự kiến thương mại hóa từ cuối năm nay, hiệu năng và thời lượng pin của những chip xử lý do Apple thiết kế dựa trên kiến trúc tập lệnh ARM64v9 sẽ còn ấn tượng đến đâu.

 

 

Chúng ta chưa được trên tay những chiếc iPhone 14 và 14 Pro Max để có kết quả benchmark so sánh A16 với những chipset khác đang có trên thị trường, từ A15 Bionic, Exynos 2200, Google Tensor hay Snapdragon 8+ Gen 1. Nhưng có thể đưa ra dự đoán rằng, khác biệt, chí ít là giữa hai thế hệ SoC cho iPhone sẽ không quá lớn. Cũng có lý do chứng minh cho việc Apple chọn so sánh A16 với hiệu năng cảu A13 Bionic trên iPhone 11, ra mắt từ năm 2019 khi họ giới thiệu iPhone 14 Pro vào tuần trước.

 

 

Có một yếu tố chắc chắn đúng, đó là với tỷ suất hiệu năng trên điện năng tiêu thụ, công suất cục pin của những chiếc iPhone vẫn sẽ thấp hơn so với những sản phẩm Android cùng phân khúc trên thị trường, khi kết hợp với tiến trình mới, kiến trúc nhân chip xử lý mới, và sự tối ưu của iOS.