Apple có bằng sáng chế công nghệ mạ màu cho titanium, ứng dụng cho iPhone và MacBook sau này

Apple có bằng sáng chế công nghệ mạ màu cho titanium, ứng dụng cho iPhone và MacBook sau này

Với Apple Watch Ultra, nhà sản xuất đồ công nghệ nước Mỹ đã một lần nữa đem chất liệu hợp kim siêu nhẹ và siêu bền đến với thị trường công nghệ. Từ trước tới giờ, những sản phẩm Apple sử dụng thứ hợp kim này chỉ gói gọn trong phạm vi những chiếc đồng hồ thông minh. Nhưng theo tài liệu đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ vừa mới được hé lộ, Apple đang có ý định đem hợp kim titan đến với nhiều dòng sản phẩm hơn, và quan trọng hơn là không chỉ có đúng chất màu xám chì đơn điệu như Apple Watch Ultra.
Bằng sáng chế này được văn phòng sáng chế Hoa Kỳ cấp ngày 4/10/2022, mô tả cách tạo ra một lớp mạ màu bằng cách mạ anode. Trong tài liệu đăng ký bản quyền có hình minh hoạ của cả iPhone, iPad lẫn MacBook, những thiết bị có tiềm năng ứng dụng hợp kim titanium để sản xuất:


Trước đây cũng đã có vài lần tin đồn được đưa ra, nói rằng Apple đang có kế hoạch ứng dụng hợp kim titanium để làm đồ công nghệ. Thứ chất liệu này vừa bền hơn thép, lại nhẹ không thua gì nhôm. Ứng dụng hợp kim này sẽ giúp thiết bị có độ bền cao hơn nhiều so với những chiếc MacBook sử dụng lớp vỏ nhôm, và nhẹ nhàng hơn những chiếc iPhone 14 Pro vỏ thép ở thời điểm hiện tại. Thêm vào đó, hợp kim titanium cũng bền và chống va đập trầy xước tốt hơn nhiều so với thép, hay thậm chí là chiếc điện thoại hoặc iPad của anh em sẽ khó cong hơn sau một thời gian sử dụng.
Dĩ nhiên cũng có lý do người ta vẫn chọn nhôm và thép thay vì hợp kim titanium, Grade 5 chẳng hạn. Nguyên nhân đến từ chi phí của loại nguyên liệu này. Và một lý do khác dẫn đến chuyện, tính đến thời điểm hiện tại, Apple vẫn đang dè dặt với loại chất liệu mà cả ngành hàng không lẫn ngành khám phá vũ trụ đang ứng dụng. Họ phát hiện ra rất khó để khắc những chi tiết lên chassis hợp kim titan, và có khả năng tạo ra những vết trầy không thể xử lý được.

Vì thế trong thời gian qua, Apple đã cố gắng nghiên cứu và phát triển ra cách tạo ra một sản phẩm bằng titanium, ứng dụng những giải pháp tác động vật lý hoặc hoá học để có bề mặt trơn bóng hơn, đẹp mắt hơn trong mắt khách hàng. Một nghiên cứu khác liên quan đến việc ứng dụng một lớp phủ oxide trên bề mặt sản phẩm, để lâu dài cầm nắm không bám vân tay, khó chùi rửa, tệ như những chiếc đồng hồ vỏ titanium mà anh em đã quen thuộc.
Chắc chắn sẽ mất một khoảng thời gian trước khi Apple nghiên cứu xong và có được công nghệ sản xuất chassis titanium ở quy mô lớn, đủ để sản xuất MacBook hay iPhone. Hoàn toàn có khả năng trong phòng thí nghiệm của Apple, đang có một hai chiếc iPhone 14 Pro bản mẫu với lớp vỏ titanium thay vì thép ốp hai tấm kính cường lực như sản phẩm chính thức bán ra thị trường. Nhưng sau cùng, Apple lại chọn giải pháp kinh tế và dễ sản xuất hơn.