Thiết bị thực tế ảo đầu tiên của Apple chạy hệ điều hành xrOS có thể hoãn ra mắt tới cuối năm 2023.
Theo nhà phân tích Ming-Chi Kuo của TF International Securities, Apple không kịp công bố kính thực tế ảo hỗn hợp vào tháng 1/2023 như kế hoạch do "vấn đề liên quan đến phần mềm". Phần lớn linh kiện của thiết bị vẫn sản xuất từ đầu năm nhưng sản phẩm hoàn chỉnh chỉ bắt đầu lắp ráp từ nửa cuối năm sau. Hãng nhiều khả năng sẽ trình làng dòng sản phẩm mới tại sự kiện WWDC 2023 và bộ công cụ SDK cho nhà phát triển ứng dụng vào tháng 6 năm tới.
Trước đó, ông Kuo từng nói Apple đã lên kế hoạch giới thiệu thiết bị AR/VR trong sự kiện riêng vào tháng 1/2023 và sẽ giao hàng trong quý II/2023. Tuy nhiên, kế hoạch bị hủy do sản phẩm "còn nhiều điểm chưa hoàn thiện".
Tương tự các sản phẩm khác, kính thực tế ảo của Apple được dự đoán sẽ rất đắt đỏ. Công ty có thể chỉ sản xuất dưới 500.000 chiếc trong năm sau để thăm dò thị trường. Một số nguồn tin khác nói con số này có thể từ 800.000 đến 1,2 triệu chiếc.
Kính thực tế ảo đầu tiên của Apple được cho là chạy trên hệ điều hành riêng, ban đầu có tên realityOS. Sau đó, hãng đổi thành xrOS để đồng nhất với các tên gọi tối giản khác trong hệ sinh thái như iOS, macOS... Hệ điều hành này cũng đã được hãng đăng ký nhãn hiệu độc quyền.
Theo Kuo, Apple Glass là sản phẩm phức tạp nhất Apple từng thiết kế. Thiết bị có thể hoạt động độc lập thay vì phải kết nối với PC, điện thoại. Kính sẽ kết hợp ba màn hình hiển thị khác nhau, gồm hai màn hình MicroLED và một màn hình AMOLED, tích hợp chip xử lý M1 hoặc có sức mạnh tương đương.
Ngoài ra, sản phẩm có thể có 14 camera và cảm biến để theo dõi chuyển động cũng như môi trường xung quanh. Tuy nhiên, vẫn chưa có thông tin về việc pin, như sẽ được đeo rời trên người hay tích hợp vào thân máy.
Ông Kuo cho rằng Apple sẽ đi trước Meta trong lĩnh vực kính thực tế ảo dù công ty mẹ của Facebook đã kinh doanh kính thực tế ảo nhiều năm. Trong xu hướng metaverse, ông tin vai trò của iPhone sẽ giảm đi khi Apple đầu tư mạnh hơn vào công nghệ thực tế ảo và thực tế tăng cường.