Trong khi iPhone 14 chính hãng đang trong đợt giảm giá sâu nhất từ lúc ra mắt cho tới nay, iPhone lock lại bất ngờ tăng giá 500.000-1 triệu đồng.
Vào thời điểm tháng 11/2022, giá iPhone 14 Pro bản khóa mạng (iPhone lock) là 18 triệu đồng và iPhone 14 Pro Max lock là 21 triệu đồng. Khi đó, iPhone lock không thể sử dụng được SIM của các nhà mạng Việt Nam dù đã có thể độ module SIM.
Tăng giá
Hiện giá dòng iPhone 14 Pro lock đã tăng 500.000-1,5 triệu đồng so với thời điểm tháng 11/2022. Giá phiên bản 128 GB của mẫu iPhone 14 Pro lock và iPhone 14 Pro Max lock đang lần lượt là 19 triệu đồng và 21 triệu đồng.
Mức trên là giá của phiên bản đã độ cắt khe SIM bằng máy CNC. Với bản không độ khe SIM, giá của iPhone 14 Pro lock sẽ là 17 triệu đồng và iPhone 14 Pro Max lock là 20 triệu đồng. Ngoài ra, tùy thuộc vào màu sắc giá của dòng máy lock sẽ chênh thêm 500.000-1 triệu đồng.
Giá của iPhone 14 lock đang thấp hơn hàng chính hãng (mang mã VN/A) 6-7 triệu đồng tùy thuộc vào dung lượng và màu sắc.
Hiện mức giá thấp nhất đang được các đại lý bán lẻ ủy quyền của Apple (AAR) tại Việt Nam niêm yết đối với 4 mẫu iPhone 14, iPhone 14 Plus, iPhone 14 Pro và iPhone 14 Pro Max này lần lượt là 19,75 triệu, 22,49 triệu, 25,39 triệu và 27,89 triệu đồng.
Cá biệt, 2 mẫu iPhone 14 và iPhone 14 Plus tại Việt Nam còn đang rẻ hơn cả thị trường Mỹ, quê nhà của Apple. Vì vậy tại Việt Nam, người dùng không quan tâm đến phiên bản lock của 2 mẫu máy này và thương buôn cũng không mặn mà nhập hàng.
"Đa phần người dùng tìm tới máy lock đều mua phiên bản Pro Max, khá ít khách hàng chọn phiên bản Pro", chủ một cửa hàng kinh doanh iPhone lock tại Hà Nội tiết lộ.
Theo chia sẻ của người này, đa phần iPhone bản lock được xách tay về từ thị trường Mỹ. Năm nay, thiết bị tại thị trường này không còn sử dụng SIM vật lý mà chỉ sử dụng eSIM nên giá giảm mạnh so với iPhone 13 Pro Max lock giai đoạn cuối năm 2021, đầu năm 2022.
Bất lợi của hàng lock vẫn còn
"Khi sử dụng iPhone lock, người dùng bắt buộc phải chịu tình trạng hao pin vì phải dùng liên tục 2 SIM, trong đó có một SIM ghép QPE để 'qua mặt' phần mềm khóa mạng. Ngoài ra, mỗi lần khởi động và đặt lại máy người dùng sẽ phải mất thời gian cài lại SIM ghép", anh Quách Minh Hiếu, chủ cửa hàng HLC Store, chia sẻ.
Anh này cho biết hiện iPhone lock phải dùng SIM ghép mới có thể sử dụng được các chức năng bình thường như nghe, gọi, nhắn tin. Ngoài ra, danh bạ của máy bản lock cũng phải can thiệp bằng ứng dụng mới có thể sử dụng.
Cũng theo anh Hiếu, hiện iPhone lock đã không còn phải mở bung máy để độ module SIM mà đã có thể dùng máy cắt CNC. Khe SIM cắt bằng máy vẫn có hình thức giống với khe SIM nguyên bản của Apple nhưng độ hoàn thiện và màu sắc sẽ có sự chênh lệch.
Cụ thể, iPhone lock về từ thị trường Mỹ sẽ được cắt bằng máy CNC. Khe SIM được cắt có hình thức tương đồng khoảng 90% so với khe của máy nguyên bản.
Tuy nhiên việc cắt SIM bằng máy sẽ giúp iPhone lock dùng được khay SIM nguyên bản của dòng iPhone 14, còn đầy đủ gioăng áp suất và kháng nước.
iPhone lock là iPhone được bán ra kèm hợp đồng của nhà mạng (được quản lý theo số IMEI, phần cứng hoàn toàn như nhau) nên chỉ dùng được SIM của nhà mạng đó. iPhone lock trên thị trường Việt Nam thường là máy từ Mỹ. iPhone lock từ thị trường Nhật Bản hiện đã không còn do chính sách mới từ quốc gia này.
Việc chuyển hoàn toàn sang sử dụng eSIM, không có khe cắm vật lý khiến việc “vượt rào” trở nên khó khăn. Chiếc iPhone 14 tại thị trường Mỹ không còn vị trí để người dùng gắn SIM ghép, qua mặt phần mềm kiểm soát.
Tại Việt Nam, từng có người bằng cách can thiệp phần mềm, đưa được eSIM vào iPhone khóa mạng. Tuy nhiên cách thức thực hiện này khó khăn, phải khai thác lỗ hổng lập trình của Apple. Chỉ cần thông qua một bản cập nhật, "Táo khuyết" đã có thể dễ dàng vá lỗi.
Vì vậy những chiếc iPhone lock về từ thị trường Mỹ bắt buộc phải có sự can thiệp như "độ" thêm khe SIM và sử dụng kèm SIM ghép mới có thể sử dụng được tại thị trường Việt Nam.
Ngoài SIM ghép, các cửa hàng kinh doanh iPhone lock còn có thể sử dụng mã ICCID (Integrated Circuit Card Identifier). Mã này là một dãy số bao gồm 19 hoặc 20 ký tự được in lên bề mặt của SIM và được lưu vào bộ nhớ của thẻ SIM. Mã số phù hợp sẽ tiến hành mã hóa chiếc iPhone lock, phục hồi các chức năng liên quan đến SIM.