Có thể hàng ngày bạn và những người xung quanh đang giao tiếp và làm việc qua Zalo - ứng dụng nhắn tin cung cấp dịch vụ trò chuyện tin nhắn, video miễn phí. Ngoài khả năng kết nối mượt mà, ổn định, giao diện sử dụng đơn giản, từ lâu, ứng dụng này còn được biết đến với nhiều tính năng giúp người dùng bảo vệ quyền riêng tư và tối ưu bảo mật thông tin. Chỉ với vài thay đổi nhỏ trên Zalo, bạn đã nhanh chóng nâng cấp cho tài khoản của mình.
Mã hóa toàn phần cho hội thoại
Zalo hiện có tính năng mã hóa đầu cuối tin nhắn (E2EE), giúp tối ưu bảo mật cho người dùng. Thông qua giao thức E2EE, mọi định dạng tin nhắn như văn bản, hình ảnh, video, tập tin... đều được mã hóa và giải mã trực tiếp trên thiết bị người dùng. Nhờ cơ chế này, ngoài máy người gửi và nhận, không một thiết bị nào khác có thể giải mã và đọc được nội dung tin nhắn. Dù kẻ xấu xâm nhập tin nhắn bất hợp pháp cũng không thể hiểu được nội dung gốc.
Đơn cử, khi soạn dòng tin "Báo cáo tài chính quý III", nội dung này ngay lập tức được mã hóa thành dãy ký tự đặc biệt "qw7;g5+rov[px=38" ngay trên máy của bạn. Dãy ký tự này được giữ nguyên suốt quá trình vận chuyển, đến khi người nhận mở lên, nó mới được giải mã về nội dung gốc trên thiết bị của người này.
Để nâng cấp chức năng này, người dùng mở cuộc trò chuyện cần mã hóa toàn phần, bấm vào "Tùy chọn" và bật "Mã hóa đầu cuối".
Mã hóa đầu cuối giúp tối ưu bảo mật cho người dùng.
Ẩn trạng thái hoạt động của tài khoản
Người dùng Zalo hiện có thể kiểm soát người khác có thấy lần hoạt động gần nhất của mình hay không. Trong một số trường hợp cần tập trung hơn, bạn có thể tắt tính năng này bằng cách vào "Cài đặt", chọn "Quyền riêng tư" và tắt "Hiển thị trạng thái truy cập". Đồng thời, tại đây bạn cũng có thể tắt "Hiển thị trạng thái đã xem" nếu phù hợp với nhu cầu và công việc.
Người dùng có thể cài đặt hiển thị trạng thái hoạt động để tối ưu riêng tư.
Thiết lập tin nhắn tự xóa
Trong nhiều cuộc hội thoại, người dùng sẽ trao đổi những thông tin quan trọng như tài chính, gia đình, công việc, mật khẩu... Thay vì chọn từng tin nhắn để thu hồi, bạn có thể thiết lập tính năng tin nhắn tự xóa để nội dung biến mất từ cả 2 phía sau một khoảng thời gian cài đặt sẵn.
Hiện thời gian tự xóa tin nhắn mặc định trên Zalo là 1, 7 hoặc 30 ngày. Tại hội thoại, bạn bấm "Tùy chọn", tìm phần "Tin nhắn tự xóa" và thiết lập thời gian theo nhu cầu. Phía dưới mỗi dòng tin sẽ hiển thị biểu tượng đồng hồ đếm ngược, người dùng dễ theo dõi nội dung nào sắp được xóa tự động.
Tắt xem trước tin nhắn
Khi có tin nhắn đến ứng dụng, màn hình khóa thường hiển thị bản xem trước. Vì vậy, người nhận không cần mở điện thoại vẫn biết được ai đang nhắn cho mình và nội dung gì. Tuy nhiên, đôi lúc người khác sẽ vô tình nhìn thấy tin nhắn hiển thị trên màn hình khóa.
Để tránh trường hợp này, bạn có thể cài đặt thông báo bảo mật, nghĩa là khi có tin nhắn đến, ứng dụng chỉ hiện thông tin chung chung và ẩn hoàn toàn nội dung chi tiết.
Người dùng chọn "Cài đặt" (biểu tượng bánh răng ở góc trên bên phải màn hình), sau đó tìm phần "Thông báo" và tắt mục "Xem trước tin nhắn" để kích hoạt. Khi dùng tính năng này bạn phải mở ứng dụng mới biết ai đang nhắn cho mình.
Bạn có thể tắt xem trước tin nhắn ở màn hình khóa.
Xác thực 2 lớp cho tài khoản
Bật tính năng xác thực 2 lớp sẽ giúp nâng cấp an toàn cho tài khoản cá nhân của bạn, ngăn chặn những xâm nhập bất thường.
Thay vì chỉ nhập mật khẩu 1 lần như thông thường, chế độ xác thực 2 lớp sẽ yêu cầu người dùng điền thêm mã kích hoạt được gửi về số điện thoại đăng ký Zalo bất cứ khi nào người dùng đăng nhập ứng dụng ở một thiết bị lạ. Để thiết lập chức năng này, người dùng vào phần "Cài đặt", chọn "Tài khoản và bảo mật", sau đó bật "Xác thực 2 lớp".
Bảo vệ ứng dụng với mật khẩu
Để tăng cường sự riêng tư, bạn có thể đặt mã khóa Zalo với dạng chữ số, dấu vân tay hay thậm chí là Face ID (nếu thiết bị có hỗ trợ). Cách thiết lập khá đơn giản, bạn vào "Cài đặt", chọn "Tài khoản và bảo mật", bấm tiếp "Đặt mã khóa Zalo" là hoàn thành. Mỗi lần mở ứng dụng bạn cần nhập lại mật khẩu, nếu quên bạn phải xóa và tải mới ứng dụng.
Với những cuộc trò chuyện quan trọng, người dùng còn có thể đặt mã khóa riêng. Bạn chọn hội thoại cần khóa rồi nhấn "Ẩn trò chuyện", sau đó nhập mã PIN 4 chữ số để tạo mã khóa. Khi đó, trò chuyện sẽ được ẩn khỏi danh sách tin nhắn, chỉ có thể tìm thấy và mở lại bằng cách nhập mã PIN đã tạo.
Kiểm tra và thay đổi vài cài đặt cơ bản sẽ giúp tài khoản Zalo của bạn được nâng cấp riêng tư và tối ưu bảo mật. Ngoài ra, người dùng còn có thể tìm hiểu thêm một vài tính năng hữu ích khác trên ứng dụng như kiểm soát nguồn kết bạn, đăng xuất từ xa, thu hồi tin nhắn... để tự bảo vệ tài khoản của mình.