Rời chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc: Nhìn vào công ty lớn nhất thế giới để thấy đây vẫn là giấc mơ xa vời
- Người viết: Code lúc
- Tin tức
Apple mất khoảng 8 năm nhưng chỉ có thể chuyển khoảng 10% công suất sản xuất của mình khỏi Trung Quốc.
Các công ty Mỹ ngày càng có nhiều lý do để giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Thuế quan của cựu Tổng thống Donald Trump, Bắc Kinh thực hiện chính sách zero-covid..
Tuy nhiên, “lời chia tay”, như nhiều người vẫn nói, rất khó để nói ra.
Đó là kết luận từ một phân tích của Bloomberg về Apple – công ty công nghệ lớn nhất thế giới và đang có gắng để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Công ty có trụ sở tại Cupertino đã bắt đầu sản xuất mẫu iPhone 14 tại Ấn Độ. Nhà cung cấp lớn nhất của họ là Foxonn Technology mới đây cũng đồng ý đầu tư 300 triệu USD để mở rộng các cơ sở sản xuất tại Việt Nam.
Nhưng Bloomberg ước tính, Apple sẽ mất khoảng 8 năm chỉ để chuyển khoảng 10% công suất sản xuất của hãng khỏi Trung Quốc, nơi đang sản xuất khoảng 98% lượng iPhone của họ.
Sự thuận lợi từ các nhà cung cấp linh kiện địa phương, chưa kể nguồn cung cấp điện, thông tin liên lạc, giao thông hiện đại và hiệu quả - khiến việc thoát ra khỏi nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới trở nên đặc biệt khó khăn.
“Với việc Trung Quốc chiếm khoảng 70% tổng sản lượng điện thoại thông minh toàn cầu và các nhà cung cấp Trung Quốc chiếm gần một nửa tổng lượng xuất xưởng toàn cầu, khu vực này có một chuỗi cung ứng quá hoàn hảo – rất khó để thay thế. Apple sẽ mất đi chuỗi cung ứng này nếu họ chuyển dịch”, báo cáo từ Bloomberg kết luận.
Có người sẽ nói, các nhà sản xuất đồ chơi và thời trang đã sớm làm được điều này. Tuy nhiên, các công ty công nghệ Mỹ đã đầu tư vào đây trong hơn 2 thập kỷ, chi hàng chục tỷ USD để thiết lập các chuỗi sản xuất phức tạp nhằm cung cấp các mặt hàng thiết yếu cho sự bùng nổ của thương mại điện tử. Việc tháo gỡ những mối quan hệ đó có thể mất nhiều thời gian, dẫn đến thiệt hại lâu dài cho nền kinh tế toàn cầu – vốn đang chao đảo vì mối lo suy thoái.
Các công ty Mỹ đã đầu tư trực tiếp 90 tỷ USD vào Trung Quốc, tính đến hết năm 2020 và bất chấp những khó khăn do covid, con số này tăng thêm 2,5 tỷ USD vào năm 2021, theo dữ liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc. Tổng số thực tế có thể cao hơn vì một số doanh nghiệp đã chuyển một số khoản đầu tư sang các thiên đường thuế khác.
Tất nhiên, điều này không có nghĩa các công ty Mỹ không có chút nỗ lực nào trong việc tìm kiếm các giải pháp thay thế cho sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Báo cáo ngày 23/9 từ Goldman Sachs cho thấy tỷ trọng nhập khẩu công nghệ của Mỹ đến trực tiếp từ Trung Quốc đã giảm 10 điểm % kể từ năm 2017, chủ yếu do kiểm soát xuất khẩu điện thoại di động của Trung Quốc.
Phải đến năm nay, Apple mới bắt đầu cho sản xuất những mẫu iPhone mới nhất tại Ấn Độ. Trước đó, họ hoàn toàn phụ thuộc vào Trung Quốc.
Cũng cần phải nói thêm, mức độ phụ thuộc của Apple vào Trung Quốc cũng lớn hơn đáng kể so với các hãng khác. Amazon, HP, Microsoft, Cisco, Dell cũng phụ thuộc vào Trung Quốc để sản xuất phần cứng cho máy chủ, sản phẩm lưu trữ và mạng nhưng mức độ phụ thuộc của họ thấp hơn nhiều so với Apple.
Bloomberg dự đoán sự phụ thuộc này có thể giảm đi 20-40% vào năm 2030.
Gần 1/4 số công ty tham gia khảo sát của Bloomberg cho biết họ đã chuyển các phân đoạn trong chuỗi cung ứng của mình ra khỏi Trung Quốc trong năm qua. Nhưng nó không hẳn là “một cuộc di cư” khỏi Trung Quốc.
Một cách tiếp cận phổ biến là “Trung Quốc + 1”- theo đó Trung Quốc vẫn là cơ sở sản xuất cốt lõi và bổ sung thêm công suất tại một số quốc gia tại Nam Á và Đông Nam Á như Ấn Độ, Việt Nam, Malaysia, Thái Lan và Indonesia.
Năm ngoái, các công ty Mỹ đã cam kết đầu tư khoảng 740 triệu USD vào Việt Nam, nhiều nhất kể từ năm 2017 và gấp hơn 2 lần so với năm 2020.
Đài Loan cũng là một nhân tố quan trọng nhưng dễ bị tổn thương trong chuỗi cung ứng của Mỹ. Nổi bật với công ty chip TSMC, đây là nơi sản xuất hơn 90% chip tiên tiến nhất trên thế giới, được sử dụng cho các dịch vụ máy tính quân sự và doanh nghiệp. Apple, MediaTek và Qualcomm, những công ty kiểm soát hơn 85% thị trường chip thiết bị cầm tay toàn cầu, đều dựa vào nguồn cung của TSMC.
Theo Bloomberg, Đài Loan vẫn sẽ là trung tâm sản xuất quan trọng với các loại chip tiên tiến nhất trong ít nhất 5 năm tới.