Chiếc điện thoại bạn đang cầm trong tay, để đọc bài viết này chẳng hạn, chứa khoảng 30 nguyên tố hóa học có thể kể đến như nhôm, đồng, lithium, bạc và cả vàng nữa, nhưng chừng đó mới chỉ là bắt đầu mà thôi. Còn một loạt những kim loại ít phổ biến khác nữa mà người ta gọi là đất hiếm, nằm bên trong điện thoại của bạn.
Đất hiếm ít được biết tới vì người ta chỉ sử dụng một lượng rất nhỏ trong điện thoại, so với nhôm hay thép chẳng hạn. Tuy nhiên, nó lại đóng vai trò hết sức quan trọng. Ví dụ chất có tên lanthanum sẽ giúp màn hình điện thoại hiển thị màu sắc sống động hơn, chất neodymium và dysprosium thì làm bộ rung. Hay nam châm trong xe điện, cũng phụ thuộc rất lớn vào đất hiếm có tên neodymium.
Bất chấp nguồn cung không ổn định đối với các nguyên tố hiếm đó, ngày càng có nhiều iPhone được tiêu thụ và Apple vừa có một quý kinh doanh rất thành công. So với iPhone 13 thì iPhone 14 không có nhiều nâng cấp nhưng người dùng vẫn đổi, chỉ đơn giản là thay thế cho model cũ. Xét về mặt thân thiện với môi trường thì chu kỳ một năm đổi điện thoại một lần đang gây ra rắc rối cho môi trường.
Một chiếc smartphone sẽ phát thải carbon ngay từ công đoạn sản xuất. Với iPhone 14 Pro, Apple nói có khoảng 65 tới 116kg carbon dioxide thải ra môi trường trong suốt vòng đời của nó. Carbon dioxide tạo ra trong quá trình sản xuất chiếm tới 83%. Quá trình sản xuất gồm công đoạn khai thác, sản xuất và vận chuyển nguyên liệu thô, cũng như sản xuất, vận chuyển và đóng gói thành phẩm. Vì công đoạn sản xuất góp phần tạo ra phần lớn lượng carbon dioxide nên cách duy nhất để giảm là tăng thời gian sử dụng máy.
Nhu cầu đất hiếm cho ngành công nghiệp điện thoại đang lấn sang những lĩnh vực khác, nguy hiểm hơn là nó khiến khủng hoảng khí hậu trầm trọng hơn. Các kim loại xanh như lithium, đồng hay cô-ban rất quan trọng với những công nghệ giải quyết khủng hoảng khí hậu như xe điện, tua-bin gió… Các quốc gia đều cần những kim loại này, người ta ví nó còn quan trọng hơn dầu và gas.
Thực ra đất hiếm không hẳn là hiếm như tên gọi của nó nhưng việc khai thác và sản xuất đất hiếm lại tạo ra một tác động rất lớn tới môi trường. Trung Quốc, nơi có trữ lượng đất hiếm lớn nhất thế giới cũng đang phải đối mặt với điều này, bao gồm cả nhiễm độc nguồn nước và đất. Các chuyên gia đưa ra lời khuyên là hãy sử dụng điện thoại lâu hơn, hỏng đâu sửa đó và khi không thể dùng nữa thì hãy đưa nó cho những tổ chức, công ty để tái chế.