Hai người phụ nữ bị lạc đã gọi được trợ giúp nhờ tính năng liên lạc vệ tinh trên iPhone 14.

Hai người phụ nữ bị lạc đã gọi được trợ giúp nhờ tính năng liên lạc vệ tinh trên iPhone 14.

Hệ thống gọi trợ giúp trong trường hợp khẩn cấp thông qua vệ tinh là một trong những tính năng nổi bật của iPhone 14. Không ít người dùng được cho là đã được cứu sống nhờ công nghệ tin nhắn khẩn cấp này của Apple. Trường hợp mới đây nhất là 2 phụ nữ mất tích ở Canada đã được tìm thấy nhờ tính năng SOS khẩn cấp trên iPhone 14.


Thoát nạn nhờ iPhone 14
Times Colonist đưa tin hai người phụ nữ đang trên đường trở về nhà sau chuyến du lịch đến tỉnh bang Alberta thì đột nhiên lạc đường ở khu vực gần làng McBride, bang British Columbia, Canada.


Cụ thể, trên đường đi về, họ gặp phải một vụ tai nạn xe trên đường cao tốc nên quyết định dùng Google Maps để tìm đường khác. Google Maps đã dẫn họ đi đường vòng đến đường phụ ở Holmes Forrest. Nhưng hai người phụ nữ không biết rằng con đường này chỉ có một phần là có rãnh tuyết, còn lại đều đã bị tuyết đóng sau trận bão.

Họ đi 20 km và rồi gặp phải một mảng tuyết lớn, không có đường đi qua nên bị mắc kẹt ở đây. “Hai người đụng phải một bức tường tuyết khổng lồ nên càng cố đi qua, họ lại bị mắc kẹt”, Dwight Yochim, quản lý tại Đội Tìm kiếm và Cứu hộ British Columbia, kể lại. Xui xẻo thay, khu vực này cũng không có sóng điện thoại.

Vào lúc đó, một trong hai người phụ nữ nhận ra iPhone 14 của mình có tính năng gọi điện khẩn cấp thông qua hệ thống vệ tinh. Họ đã gửi tin nhắn và địa chỉ đến trung tâm liên lạc của Apple.

Tại đây, nhân viên hỗ trợ của hãng đã liên hệ với trung tâm “Northern911” ở Canada sau đó gọi đến đội ngũ cứu trợ khẩn cấp ở tỉnh bang British Columbia. “Ở đó không có sóng điện thoại nhưng một người trong số họ đã phát hiện tính năng SOS khẩn cấp. Đây cũng là trường hợp đầu tiên sử dụng tính năng vệ tinh để thoát nạn ở tỉnh bang British Columbia”, Yochim chia sẻ.

Nhờ đó, Đội Tìm kiếm và Cứu hộ British Columbia, cảnh sát quốc gia, nhân viên cứu hộ địa phương đã phán đoán được trường hợp cụ thể, tính toán địa điểm bị mất tích của hai người phụ nữ và lập kế hoạch giải cứu thông qua thông tin GPS mà iPhone gửi đến. “Các nhân viên đã tìm thấy họ, nhấc chiếc xe khỏi chỗ kẹt, quay đầu xe và đẩy trở lại đường cao tốc”, Yochim kể lại.


Tính năng trên iPhone nhiều lần cứu mạng người
Nói với Times Colonist, Yochim cho biết nếu không có tính năng gọi điện khẩn cấp của iPhone 14, họ có thể sẽ mất hơn một tuần mới tìm ra 2 người phụ nữ xui xẻo này. Theo ông, nếu không có tính năng này, đội tìm kiếm sẽ phải lục soát khắp nơi gần địa điểm cuối cùng phát hiện thấy họ, diện tích khu vực có thể lên đến hàng trăm km.

“Tính năng cứu hộ khẩn cấp đã cứu sống 2 người phụ nữ. Đây là yếu tố làm đảo ngược toàn bộ tình hình”, Yochim nhận định. Ông cho rằng công nghệ kết nối vệ tinh này có thể giúp đội cứu hộ trong rất nhiều trường hợp và tiết kiệm kha khá thời gian cho công việc của mình.


Yochim cho biết đội của ông thực hiện khoảng 1.700-1.800 cuộc tìm kiếm mỗi năm. Do đó, ông hy vọng tin nhắn SOS khẩn cấp trên iPhone 14 sẽ giảm đáng kể số lượng này. “Nếu chúng ta biết rõ đối tượng cần giải cứu nằm chính xác ở đâu, việc cần làm chỉ là đến đó và cứu họ”, ông chia sẻ.

Trước đó, tính năng mới trên iPhone 14 cũng nhiều lần cứu sống nhiều trường hợp. Hồi tháng 12/2022, hệ thống tin nhắn khẩn cấp qua vệ tinh đã giải cứu một người đàn ông ở vùng hẻo lánh ở Alaska sau khi ông bị lạc và gửi định vị của mình đến Alaska State Troopers.

Hợp tác với nhóm cứu hộ ở địa phương, đội Northwest Arctic Borough Search đã cử 4 tình nguyện viên đến địa điểm được cung cấp GPS. May mắn là người đàn ông đã được giải cứu mà không bị thương.

Hồi tháng 4/2022, tin nhắn SOS khẩn cấp cũng từng cứu sống vận động viên trượt tuyết nổi tiếng Tim Blakey ở Thụy Sĩ. Kể lại trên Instagram cá nhân, anh cho biết đã bị rơi xuống hố tuyết sâu khoảng 4,5m và bị tuyết đè lên người. Điện thoại của anh cũng chỉ còn 3% pin, không đủ để gọi và chờ đội cứu hộ đến.

Cuối cùng, Blakey quyết định sử dụng tính năng khẩn cấp SOS của iPhone. Đội phản ứng nhanh gần đó đã nhanh chóng nhận được tín hiệu và có mặt trong vòng 45 phút, sử dụng trực thăng để đưa tay trượt tuyết ra khỏi hố sụt.